Pháp luật

Tin tức

Xét xử cựu CEO Alibaba: Bí ẩn số tiền 13 tỉ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi Nguyễn Thái Luyện khăng khăng bản thân không như cáo trạng truy tố thì các bị cáo là người thân của cựu CEO này thừa nhận hành vi lừa đảo.
Ngày 9-12, tại TAND TP HCM, phiên xét xử Nguyễn Thái Luyện (SN 1985; cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Alibaba) và 22 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền" bước sang ngày thứ 2.
Vợ cựu CEO khóc, nói bị đe dọa
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng của VKSND TP HCM truy tố nhưng nói không biết đã chiếm đoạt của khách hàng bao nhiêu.
 
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại phiên xét xử
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại phiên xét xử.
Về cáo buộc tội "Rửa tiền", bị cáo này không thừa nhận với lý do "không biết nguồn tiền từ đâu". Trong khi đó, hồ sơ vụ án thể hiện khi anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt tạm giam vào ngày 18-9-2019, Mai sợ số tiền hơn 13 tỉ đồng trong ngân hàng bị phong tỏa nên chỉ đạo Huỳnh Thị Kim Thắng (nhân viên kế toán của Công ty Alibaba) chuyển sang tài khoản của Mai để em trai khác của Luyện là Nguyễn Thái Lực rút tiền mặt và mang bao tải tiền đến trụ sở đưa cho Mai. Đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa thu hồi được số tiền này.
Trước tòa, Mai khai đã dùng hơn 3 tỉ đồng trả nợ và chi 9 tỉ đồng cho người khác. Chủ tọa hỏi chi trả cho ai, tên gì, ở đâu… thì Mai trả lời "không tiện nói tên". Bị cáo nghẹn ngào khóc, chủ tọa phải cho tạm ngưng khai báo để ổn định tinh thần.
Sau đó, Mai khai đó là những người góp vốn vào công ty. Trong đó, 1 cá nhân "ngoài xã hội" góp 8,8 tỉ đồng. Cá nhân này đe dọa nếu Mai khai thì người thân của Mai sẽ bị ảnh hưởng. Khai tới đây, bị cáo tiếp tục khóc.
Đại diện VKS đặt nghi vấn Luyện đã biết và từng dặn dò vợ về việc mình có thể vướng vòng lao lý. Bằng chứng thể hiện trong nội dung lá thư mà Mai viết cho Luyện mà cơ quan điều tra đã thu giữ, đưa vào hồ sơ vụ án. Trong thư có nội dung "Ngày xưa khi anh nói nếu mình bị bắt…".
Mai giải thích rằng câu này xuất phát từ một lần Luyện có phát ngôn gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội. Sau đó, Luyện lo sẽ đi tù vì phát ngôn này. Mai còn khai: "Anh Luyện nói với tôi nếu anh xảy ra chuyện gì thì bán hết toàn bộ tài sản để trả cho khách hàng".
"Lý do" nâng vốn điều lệ lên gấp 1.600 lần
Quá trình HĐXX thẩm vấn, Nguyễn Thái Luyện kêu oan. Người này phủ nhận nội dung trong cáo trạng rằng chỉ sử dụng một phần nhỏ tiền của bản thân, phần lớn là dùng tiền huy động trái pháp luật từ khách hàng để mua đất nông nghiệp phân lô rồi quảng cáo với khách hàng các dự án mình bán là đất thổ cư để bán nền.
Luyện nói từ những ngày đầu thành lập công ty, bị cáo đã dùng nguồn vốn thụ động là tiền tích lũy từ việc kinh doanh, đi làm thêm, mở quán cà phê và vay ngân hàng để mua những thửa đất đầu tiên. Sau đó Luyện bán và mua dự án khác.
VKSND cáo buộc Luyện "vẽ" dự án "ma" trên đất nông nghiệp nhưng trong các hợp đồng bị cáo ký kết cho khách hàng đều là đất nền thổ cư, có số lô, số nền. Đáp lại cáo buộc này, Luyện cho rằng bản thân sở hữu những thửa đất nông nghiệp đó nên có quyền tách thửa. Bị cáo nói "đất nền thổ cư" chỉ là một trong các nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa công ty và khách hàng. Số lô, số nền thể hiện trên hợp đồng dựa trên việc sau khi Luyện mua đất thì có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên có quyền đánh số lô, số nền để lập dự án.
"Đất tôi mua là đất nông nghiệp có quy hoạch đất ở. Tôi rao bán đã nói rõ với khách hàng là hiện tại đất được quy hoạch đất ở, chưa chuyển mục đích. Hợp đồng đã ký là cơ sở pháp lý để hai bên cùng thỏa thuận, khách hàng đồng ý nội dung này. Tôi không hề có sự gian dối nào ở đây" - Luyện nói.
Tuy nhiên, theo cáo trạng, nội dung Luyện nói không được thể hiện trong hợp đồng, thay vào đó, hợp đồng viết đất bán là "đất nền thổ cư".
Quá trình xét hỏi, đại diện VKSND TP HCM đề nghị Luyện làm rõ nguồn vốn điều lệ 1.600 tỉ đồng. Luyện khai lý do bị cáo tăng vốn điều lệ của Công ty Alibaba từ 1 tỉ đồng lên con số 1.600 chỉ trong 1 năm là do đối tác thực hiện dự án Tây Bắc - Củ Chi hứa góp số tiền này. Sau đó, đối tác cho biết Ban Quản lý dự án Tây Bắc - Củ Chi không đồng ý hợp tác nên đối tác của công ty đề nghị ngưng góp vốn. Luyện trần tình khi ấy đã dự định sẽ đăng ký lại số vốn điều lệ là 100 tỉ đồng, là vốn thực chất bị cáo có.
VKSND hỏi tại thời điểm tăng vốn, bị cáo thực chất có 1.600 tỉ đồng tiền mặt hay không? Bị cáo phân trần vốn đăng ký khác với vốn thực góp, dựa vào quá trình kinh doanh… nhưng lại khẳng định "Người mà báo với tôi đăng ký vốn thì họ có thực tế số tiền đó".
"Chiều tối 9-12, HĐXX cho biết phiên tòa vẫn diễn ra vào cuối tuần nhưng kế hoạch xét hỏi các bị hại sẽ bắt đầu từ ngày 12-12. Bị hại tham dự phiên tòa theo danh sách các dự án đã thông báo trước đó.
Hai em trai xin giảm nhẹ tội
Liên tục chối tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Nguyễn Thái Luyện khẳng định đất mua làm dự án là đất nông nghiệp có quy hoạch, do đó mới có chuyện giá cao hơn thị trường. Bị cáo kể đã thống nhất vấn đề này với khách hàng, khách hàng đồng ý mới làm hợp đồng.
"Tôi không hề có sự gian dối, tôi đã bàn bạc với khách hàng. Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tôi mới tách. Tới giờ vẫn không để ai mất tiền. Nhìn một cách nào đó, công ty tôi giúp cho rất nhiều người đầu tư và sinh lời. Bản thân tôi nhất quán với những gì đã làm từ trước đến nay" - Luyện nói lại nhiều lần điều trên.
Trong khi đó, bị cáo Võ Thị Thanh Mai cùng Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng truy tố. Từ đó, Lĩnh, Lực xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Theo Bài và ảnh: Ý LINH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm