Pháp luật

Tin tức

Xét xử ông Vũ Huy Hoàng: Triệu tập nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất "vàng" tại TP HCM sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát hơn 2.713 tỉ đồng, nguyên bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng 9 bị cáo khác phải hầu toà.

Sáng nay 18-1, TAND TP Hà Nội mở lại phiên sơ thẩm xét xử nguyên bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và TP HCM.

 

Ông Vũ Huy Hoàng kiểm tra an ninh tại phiên toà đầu tháng 1
Ông Vũ Huy Hoàng kiểm tra an ninh tại phiên toà đầu tháng 1


Theo đó, 9 bị cáo khác cùng hầu tòa với ông Vũ Huy Hoàng gồm: Phan Chí Dũng (SN 1957, nguyên vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương), Nguyễn Hữu Tín (SN 1957, nguyên phó chủ tịch UBND TP HCM), Lâm Nguyên Khôi (SN 1955, nguyên phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM), Đào Anh Kiệt (SN 1957, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM), Lê Văn Thanh (SN 1962, nguyên phó chánh Văn phòng UBND TP HCM) cùng 4 bị cáo khác.

Trong đó, bị cáo Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng bị VKSND Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015. 8 bị cáo còn lại bị Viện Kiểm sát truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo quy định tại Điều 229, khoản 3, điểm b - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa này, HĐXX triệu tập nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải và đại diện Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đến phiên tòa với tư cách là người liên quan đến vụ án. Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập đến tòa 17 người liên quan, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; 3 giám định viên; đại diện Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương. Đại diện Bộ Công Thương được triệu tập đến tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự.

Tại phiên tòa lần này, cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín tiếp tục có đơn xin xét xử vắng mặt do tình trạng sức khỏe yếu. Trước đó, ngày 7-1, phiên tòa đã được mở nhưng 3 bị cáo Nguyễn Hữu Tín, Lê Văn Thanh và Nguyễn Thanh Chương, nguyên trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP HCM cùng giám định viên và nhiều người liên quan vắng mặt.

Xét thấy sự vắng mặt này sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa. HĐXX cũng yêu cầu cơ quan tố tụng có liên quan tiếp tục trích xuất và tống đạt, yêu cầu các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có mặt đầy đủ trong phiên tòa được mở lại.

Theo cáo trạng, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, thuộc Bộ Công Thương quản lý) được giao cho khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM) có tổng diện tích 6.080 m2 dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hàng năm.

Trong quá trình thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Sabeco, bị cáo Vũ Huy Hoàng, bị can Hồ Thị Kim Thoa (nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương) và bị cáo Phan Chí Dũng đã có ý kiến chỉ đạo đối với các cán bộ cấp dưới thuộc Bộ Công Thương và Sabeco trong quá trình Sabeco thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án "Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê" trên khu đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư dự án cho liên doanh Sabeco Pearl và đề nghị được UBND TP HCM chấp thuận bổ sung chức năng officetel (mô hình kết hợp văn phòng cho thuê với khách sạn) và căn hộ ở cho dự án, ngay sau đó Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco trong dự án này cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh. Từ đó, hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 3.816 tỉ đồng là tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền hơn 2.713 tỉ đồng.

Trong vụ án này, do bị can Hồ Thị Kim Thoa đã bỏ trốn nên Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra các Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can, Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can và Quyết định truy nã đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa. Khi nào bắt được, Cơ quan công an xem xét, xử lý sau.

 

https://nld.com.vn/phap-luat/xet-xu-ong-vu-huy-hoang-trieu-tap-nguyen-thu-truong-bo-cong-thuong-20210117204352132.htm

Theo Nguyễn Hưởng (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm