Pháp luật

Xét xử vụ án tham ô xảy ra tại trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 22-7, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 5 bị cáo về các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Đây là vụ án xảy ra tại Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng (Trường ĐHBK Đà Nẵng). Cụ thể, bị cáo Lâm Thị Hồng Tâm (Thủ quỹ Trường ĐHBK Đà Nẵng, sinh năm 1973, trú quận Hải Châu) và Hoàng Quang Huy (Trưởng phòng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Kế toán trưởng Trường ĐHBK Đà Nẵng, sinh năm 1989, trú quận Cẩm Lệ) bị xét xử về tội “Tham ô tài sản”.

Đoàn Quang Vinh (Hiệu trưởng Trường ĐHBK Đà Nẵng, sinh năm 1962, trú quận Sơn Trà) bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Phạm Thị Huỳnh Như (sinh năm 1987) và Nguyễn Khánh Dương (sinh năm 1997) cùng trú quận Cẩm Lệ, bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo nội dung vụ án, ngày 3-2-2023, thấy có hiện tượng chậm chi trả tiền lương cho cán bộ viên chức và tiền học bổng cho sinh viên, Trường ĐHBK Đà Nẵng đã kiểm tra và phát hiện có sai phạm về tài chính tại trường.

Sau đó, công an vào cuộc điều tra và làm rõ, trong khoảng thời gian từ ngày 15-7-2020 đến ngày 10-2-2023, Lâm Thị Hồng Tâm, Hoàng Quang Huy đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt hơn 186,2 tỷ đồng của Trường ĐHBK Đà Nẵng để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Các bị cáo Lâm Thị Hồng Tâm và Hoàng Quang Huy đã hợp thức hồ sơ, sổ sách, chứng từ kế toán… nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Riêng bị cáo Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường ĐHBK Đà Nẵng, trong giai đoạn từ 1-7-2020 đến 31-12-2022, bị cáo đã ký séc chi không ghi số tiền cụ thể, không tổ chức kiểm tra kế toán trong nội bộ đơn vị, ký hợp thức các biên bản kiểm tra quỹ hàng tháng của trường vào cuối năm…, buông lỏng quản lý tài sản của nhà trường, dẫn đến việc Tâm và Huy chiếm đoạt tiền của nhà trường, gây thất thoát tài sản của Nhà nước gần 180 tỷ đồng.

Từ tháng 12-2018 đến ngày 10-2-2023, bằng chiêu trò góp vốn đầu tư, Phạm Thị Huỳnh Như đã lừa Tâm lấy hơn 203 tỷ đồng. Trong đó, Như chuyển vào tài khoản của Nguyễn Khánh Dương hơn 192 tỷ đồng, chuyển vào tài khoản Trần Tấn Hùng hơn 10 tỷ đồng.

Từ tháng 9-2020 đến 10-2-2023, Dương biết Như đưa ra các thông tin gian dối để lừa tiền Tâm nhưng vẫn đồng ý đóng giả đối tượng tên Hùng nói chuyện với Tâm, giúp Như chiếm đoạt hơn 181 tỷ đồng.

Phiên tòa vẫn đang tiếp tục diễn ra và dự kiến kéo dài đến ngày 23-7.

Có thể bạn quan tâm