Pháp luật

Tin tức

Xét xử vụ Ethanol Phú Thọ: Những điểm nổi bật trong phiên tòa sơ thẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phiên tòa đã làm rõ được năng lực, kinh nghiệm của Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T, về hậu quả thiệt hại của vụ án, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi chỉ định thầu và hậu quả thiệt hại...

Các bị cáo khai báo trước Hội đồng xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Các bị cáo khai báo trước Hội đồng xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)



Sau một tuần đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ, phiên tòa đã kết thúc phần xét hỏi và tranh luận, Hội đồng xét xử nghị án và dự kiến sẽ tuyên án vào chiều 15/3.

Trải qua phần xét hỏi và tranh tụng, phiên tòa đã làm rõ được nhiều điểm trong vụ án, nổi bật là về năng lực, kinh nghiệm của Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T, về hậu quả thiệt hại của vụ án, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi chỉ định thầu và hậu quả thiệt hại...

Liên danh nhà thầu thiếu năng lực, kinh nghiệm

Tại phiên tòa, vấn đề tranh luận nổi bật được nhắc đến nhiều lần là năng lực, kinh nghiệp của Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T.

Đại diện Viện Kiểm sát xác định liên danh nhà thầu này thiếu năng lực, kinh nghiệm. Tuy nhiên, một số luật sư và bị cáo cho rằng Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T là nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm.

Dự án dừng thi công là do thay đổi Hợp đồng EPC, chủ đầu tư không đủ tiền thực hiện dự án.

Về vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát đã viện dẫn Kết luận giám định của Bộ Xây dựng, kết quả chấm sơ tuyển của Công ty Cổ phần Thiết kế công nghiệp hóa chất (CECO), công văn báo cáo của PVC (Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam), PVB (Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí) cùng lời khai của các bị cáo Vũ Thanh Hà (nguyên Tổng Giám đốc PVB), Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC), Nguyễn Ngọc Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC), Đỗ Văn Quang (nguyên Trưởng ban Ban Kinh tế kế hoạch PVC)... thì đã có đủ cơ sở xác định Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đáp ứng được năng lực, kinh nghiệp theo hồ sơ yêu cầu và không đủ điều kiện năng lực theo các quy định của pháp luật, vi phạm quy định tại Điều 10, khoản 3; Điều 96, khoản 1 - Luật Xây dựng.

Thêm vào đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ các thành viên Tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu và Tổ chuyên gia giúp việc thẩm định đấu thầu đều biết rõ các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm mà Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T đã bị CECO đánh giá không đạt.

Nhưng với mục đích chỉ định thầu bằng được cho liên danh nhà thầu này theo chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), Vũ Thanh Hà đã có định hướng, chỉ đạo các thành viên không đưa vào hồ sơ yêu cầu tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm mà CECO đã đánh giá là không đạt của Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T trong giai đoạn sơ tuyển trước đó. Mục đích là nhằm chỉ định cho liên danh nhà thầu trúng thầu trái các quy định của pháp luật.

Cụ thể, không xác định cấp công trình; không đưa ra các câu hỏi đánh giá về năng lực, kinh nghiệm đối với Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T; phương pháp đánh giá về kỹ thuật trong hồ sơ yêu cầu là hình thức chấm điểm chứ không đánh giá “đạt” hay “không đạt;” không đưa đầy đủ các tiêu chí đánh giá đối với các vị trí chủ chốt thực hiện dự án như giám đốc tư vấn quản lý dự án, chủ nhiệm thiết kế xây dựng công trình, chỉ huy trưởng công trình...

 

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tiến hành đối đáp các bị cáo để làm rõ hành vi phạm tội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tiến hành đối đáp các bị cáo để làm rõ hành vi phạm tội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)



Mặt khác, Dự án Ethanol Phú Thọ được triển khai theo hình thức thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị và xây dựng (EPC), do vậy năng lực của nhà thầu phải được đánh giá về cả ba nội dung này.

Các nội dung đó có mối quan hệ mật thiết với nhau, chỉ cần một khâu thực hiện không tốt sẽ ảnh hưởng đến các khâu còn lại, vì vậy nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng yêu cầu năng lực của cả ba nội dung.

Gói thầu EPC được thực hiện bởi liên danh ba nhà thầu, mỗi nhà thầu chịu trách nhiệm các phần việc riêng rẽ theo thỏa thuận phân chia công việc. Do đó, năng lực các nhà thầu phải đáp ứng được từng phần việc do mình đảm nhiệm.

Việc xử lý mối quan hệ giữa các phần việc của từng nhà thầu quy định thành bại của gói thầu này, chỉ cần một nhà thầu không đáp ứng được điều kiện năng lực của phần việc do mình chịu trách nhiệm sẽ dẫn đến không thực hiện được toàn bộ gói thầu.

Đại diện Viện Kiểm sát phân tích, việc nhà thầu không hoàn thành được Thiết kế FEED theo đúng yêu cầu của Hợp đồng EPC 059 như bị cáo Vũ Thanh Hà trình bày đã thể hiện rõ yếu kém về năng lực của nhà thầu trong việc thiết kế. Điều này dẫn đến phá vỡ cơ chế Hợp đồng EPC 059, dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thành dự án.

Căn cứ xác định hậu quả thiệt hại của vụ án

Trong phần tranh luận, một trong những nội dung được đề cập nhiều là việc xác định hậu quả thiệt hại của vụ án. Viện Kiểm sát xác định hậu quả từ hành vi làm trái các quy định của các bị cáo trong vụ án đã gây ra thiệt hại cho PVB hơn 543 tỷ đồng (là tiền lãi mà PVB phải trả từ khi dự án dừng thi công).

Một số luật sư và bị cáo cho rằng việc xác định thiệt hại của vụ án căn cứ vào số tiền PVB phải trả tiền lãi kể từ khi dự án dừng thi công là không có căn cứ.

Đối đáp lại ý kiến này, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư (PVB) đã sử dụng một số tiền lớn (hơn 1.467 tỷ đồng) để đầu tư vào dự án, gồm vay của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeAbank) và Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC, nay là PVCombank) tổng số tiền là hơn 754 tỷ đồng.

Từ ngày dự án dừng thi công (ngày 27/3/2013) đến ngày 25/7/2014, PVB đã trả lãi vay hơn 125 tỷ đồng.

Số tiền lãi PVB còn phải trả cho ngân hàng từ ngày 26/7/2014 đến ngày khởi tố vụ án (ngày 11/6/2018) là 417 tỷ đồng.


 

 Các bị cáo tại phiên xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Các bị cáo tại phiên xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)


Tại phiên tòa, đại diện SeAbank và PVCombank đều khẳng định không miễn giảm nợ gốc và lãi cho PVB.

Dự án bị tạm dừng thi công kéo dài kể từ ngày 27/3/2013 (tính đến thời điểm xét xử vụ án là gần 8 năm), chưa có hạng mục nào hoàn thành để đi vào hoạt động.

Do dự án bị chậm tiến độ, không đi vào hoạt động sản xuất-kinh doanh nên chủ đầu tư phải chịu chi phí tiền lãi phát sinh cho thời gian dừng thi công, bị chậm tiến độ không có doanh thu mà phải sử dụng vốn của PVB để chi trả, đây là thiệt hại thực tế.

Ngoài ra, dự án bị tạm dừng thi công kéo dài cũng gây ra những thất thoát lãng phí lớn về nguồn lực xã hội (như nhà xưởng, máy móc, thiết bị hao mòn theo thời gian, chi phí bảo quản, bảo dưỡng thiết bị...).

Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát đã căn cứ vào Kết luận giám định của Bộ Tài chính xác định thiệt hại theo Điều 4, khoản 5, điểm c - Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp quy định về những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.

Việc xác định thiệt hại như trên là có căn cứ pháp luật. Theo đó, thiệt hại của vụ án là toàn bộ số tiền lãi suất phát sinh mà PVB đã trả và số còn có nghĩa vụ trả cho ngân hàng từ khi dự án dừng thi công đến ngày khởi tố vụ án là hơn 543 tỷ đồng.

Mối quan hệ nhân quả giữa chỉ định thầu và hậu quả thiệt hại

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân tối cao xác định, trong quá trình thực hiện do Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực nên Dự án Ethanol Phú Thọ liên tục bị chậm tiến độ.

PVC sau đó cũng có báo cáo thừa nhận Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực để thực hiện dự án.

Tháng 3/2013, PVC đã đơn phương dừng thi công dự án và chưa có hạng mục nào hoàn thành.

PVC đưa ra lý do việc dừng dự án vì đơn vị gặp nhiều khó khăn về tài chính, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm quản lý và kết nối các giao diện về công nghệ...

Hậu quả từ hành vi làm trái các quy định của các bị cáo trong vụ án đã gây ra thiệt hại cho PVB tổng cộng hơn 543 tỷ đồng.

Tranh luận tại phiên tòa, một số bị cáo và luật sư bào chữa cho rằng hành vi chỉ định thầu không gây thiệt hại, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả thiệt hại.

Đánh giá hành vi của các bị cáo, công tố viên khẳng định, theo hợp đồng dự án, PVC phải hoàn thành dự án đúng tiến độ và chất lượng, nhưng PVC không thể hoàn thành dự án theo quy định, tự ý dừng thi công, do vậy trách nhiệm chính thuộc về PVC.

Bên cạnh đó, việc liên danh nhà thầu do PVC đứng đầu không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến dự án ngừng thi công.

Thực tế cho thấy sau khi ký hợp đồng EPC (ngày 12/8/2009), đến ngày 21/9/2009 thì liên danh nhà thầu triển khai thi công.

Do không thể hoàn thành dự án theo đúng tiến độ (trong 21 tháng), ngày 27/10/2010, PVC ký phụ lục Hợp đồng EPC gia hạn thời hạn hoàn thành việc thi công đến ngày 15/11/2011.

Tuy nhiên, với thời hạn mới này, PVC cũng không thể hoàn thành dự án theo tiến độ và đã có các báo cáo, tự thừa nhận Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu TK05, nên dự án bị chậm tiến độ và đến ngày 27/3/2013 thì dừng thi công.

Cụ thể, ngày 24/5/2013, PVC gửi báo cáo tới PVN nói về tổng quan quá trình triển khai dự án, khó khăn vướng mắc, đề xuất giải pháp thực hiện và kế hoạch triển khai phần còn lại của dự án.


 

Bị cáo Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC Kinh Bắc, khai báo trước Hội đồng xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bị cáo Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC Kinh Bắc, khai báo trước Hội đồng xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)


PVC đã tự nhận là thiếu về năng lực, kinh nghiệm trong thực hiện dự án và kiến nghị: “Đối với dự án này, PVC hoàn toàn chưa có kinh nghiệm quản lý và kết nối các giao diện về công nghệ. Để có thể tiếp tục triển khai và hoàn thiện nhà máy, đưa nhà máy vào vận hành, PVC đề xuất chủ đầu tư hoặc một đơn vị khác trong Tập đoàn (PVOil) tiếp quản toàn bộ hiện trạng phạm vi công việc mà PVC thực hiện của dự án.”

Tiếp đó, ngày 20/8/2014, PVC gửi báo cáo tới PVN nói về tình hình triển khai dự án, công tác an ninh, an toàn bảo trì thiết bị trên công trường, những khó khăn vướng mắc cần phải giải quyết và những đề xuất trong thời gian dự án đang tạm dừng.

Báo cáo nêu rõ: Hiện nay, PVC gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, mặc khác PVC có rất ít kinh nghiệm quản lý và kết nối các giao diện về công nghệ của Dự án nhiên liệu sinh học. Do đó, PVC sẽ bàn giao cho chủ đầu tư hoặc nhà thầu khác có đủ kinh nghiệm do Tập đoàn chỉ định để tiếp tục thực hiện dự án. PVC chỉ có thể thực hiện được các công việc xây dựng và lắp đặt của dự án này.

Từ ngày bắt đầu triển khai dự án (ngày 21/9/2009) đến ngày khởi tố vụ án, PVB đã thanh toán cho PVC hơn 610 tỷ đồng và thanh toán cho Alfa Laval hơn 236 tỷ đồng.

Từ ngày 27/3/2013 đến nay, PVC đã đơn phương dừng thi công dự án, chưa có hạng mục nào được hoàn thành và bàn giao.

Hành vi của các bị cáo trong vụ án đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về đầu tư công trình xây dựng, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, làm lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội.

Theo Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm