TN - Đất & Người

Xóm chợ Nhỏ, một thời...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trước, lời chúc Tết của người thân quen dành cho bố mẹ tôi: “Thăng quan tiến chức, đầu năm sinh trai cuối năm sinh gái” rốt cục chỉ hiệu nghiệm nửa vế sau! Vì đông con nên gia đình tôi phải rời khỏi xóm Am Bà xuống sinh sống tại hẻm chợ Nhỏ để mẹ tôi có thể buôn bán rau dưa phụ thêm vào đồng lương ít ỏi của bố tôi. Lúc ấy người dân Pleiku đặt tên cho các chợ ở khu vực trung tâm thị tứ thật bình dân, giản dị: cái chợ ở gần chùa Tỉnh hội (đường Sư Vạn Hạnh) thì đặt tên là chợ Chùa, đến khi xây dựng xong chợ Mới thì gọi nó là chợ Cũ và cái chợ bé hơn chợ Cũ, nằm ở đường Lê Lợi, được mang tên chợ Nhỏ.

Chợ Nhỏ không có nhà để họp chợ như chợ Mới mà được hình thành từ các sạp bán hàng đặt 2 bên lề của con hẻm và những người vốn liếng ít không có sạp thì đưa cả quang gánh, thúng mủng, nia mẹt… ngồi bệt xuống lề đường, những người đến sau thì ngồi nối tiếp người trước nên chợ kéo dài theo con hẻm. Hẻm chợ Nhỏ là lối dẫn xuống xóm lò bún. Theo lối đi vào hẻm, bên phải là xóm hàng than, bên trái là hẻm xuống chùa Hai Con Ngựa nằm sát Trường nữ Tiểu học Pleiku. Nhờ có nhà của một ông đốc công Ty Công chánh ở khoảng lưng chừng dốc nên hẻm chợ Nhỏ đã được trải nhựa từ những năm cuối của thập niên 1960.

 

Hẻm chợ Nhỏ ngày nay. Ảnh: K.H
Hẻm chợ Nhỏ ngày nay. Ảnh: K.H

Cuối hẻm chợ Nhỏ là xóm của một số người gốc Bình Định lên sinh sống bằng nghề làm bún tươi, ban ngày họ ngủ bù để chập choạng tối giã gạo làm bún suốt đêm cho đến tờ mờ sáng mới cho ra lò những vặn bún trắng tươi cung cấp cho các chợ của Pleiku. Ban đầu gia đình tôi chưa quen nên có vẻ khó chịu nhưng sau dần cả nhà vẫn ngủ ngon giấc mặc cho tiếng chày thình thịch gần như suốt đêm!

Lúc gia đình tôi mới dọn đến, xóm chợ Nhỏ và xung quanh còn thưa thớt dân cư nên từ nhà tôi có thể thấy được núi Hàm Rồng và phía bên kia đồi Thiết Giáp (gọi thế là vì trên đồi này có đơn vị Thiết giáp đóng quân, sau này có thời gian là khu vực trại Kỷ luật quân đội) còn thấy rõ người đi trên đường mòn trên đồi (nay là đường Nguyễn Tất Thành). Điện thắp sáng thuở ấy chỉ mới cấp đến các nhà trên mặt đường Lê Lợi gần Trường tư thục Minh Đức (nay là Trường THPT Lê Lợi)-nên cả xóm đều dùng đèn dầu lớn nhỏ đủ cỡ, trừ các tiệm tạp hóa ở đầu con hẻm sử dụng đèn măng-sông cho sáng sủa. Mãi đến đầu thập niên 1970 mới có những chủ gia đình vốn là lính kỹ thuật mua sắm máy phát điện nhỏ để kéo cho hàng xóm mỗi nhà 1 bóng tuýp thắp sáng 2 giờ mỗi tối vào lúc ăn cơm.

Một trong những lý do bố mẹ tôi dọn xuống ở hẻm chợ Nhỏ là lúc ban đầu nghe người quen nói xóm này gần suối (con suối chảy qua cầu Hội Phú vòng đến dưới cuối ngọn đồi này), không phải lo về nước sinh hoạt. Nhưng khi đến ở thì mới nhận thấy rằng chỉ có thể xuống suối cho trẻ con nô đùa, tắm mát chứ để lấy nước ăn thì phải mua từ giếng của các nhà hàng xóm! Hệ thống nước máy không có nên nhiều nhà đã thuê đào giếng và lắp tay quay để lấy nước dùng hàng ngày, dù rằng các giếng ấy đều sâu trên dưới 30 mét.

Là xóm bình dân, nhiều người trong xóm vất vả kiếm sống bằng các nghề lao động tay chân nên việc học hành của con cái họ cũng khá đơn giản: Cho con theo học trường của thầy giáo P. gồm đủ các lớp của bậc tiểu học trong một căn phòng vỏn vẹn gần 30 mét vuông. Ước muốn của họ thật đơn giản, con cái biết đọc biết viết là được và khi nhà có việc thì chỉ cần đứng ngoài cửa lớp réo gọi con về...

Ngày ấy tôi còn nhỏ dại, cuối tuần được bố mẹ cho tiền mua cái vé đồng hạng để xem phim ở rạp Diệp Kính đã là sung sướng lắm rồi. Bên cạnh nhà tôi là ông hàng xóm mở tiệm hớt tóc với 2 ghế phục vụ khách nên ông ta bật cái radio Philips hầu như suốt cả ngày cho khách nghe, để đỡ sốt ruột trong lúc chờ đợi, thế nên tôi cũng được nghe lỏm chương trình của đài phát thanh các địa phương, kể ra như thế cuộc sống của gia đình tôi ở xóm chợ Nhỏ cũng tạm ổn!

Năm vào học lớp đầu bậc trung học, tôi đã khá lớn để giúp việc nhà nên ngoài việc quay nước giếng, rửa rau cải để chờ muối dưa, nhặt cuống cà pháo…, tôi còn phụ giúp mẹ chuẩn bị đậu xanh để làm giá đỗ. Trong lúc ngồi dùng chân để chà xát cho hạt đậu mỏng dần vỏ ngoài, đọc các mục quảng cáo trên những tờ nhật báo Chính Luận cũ xin được của người bác họ, tôi bị cuốn hút bởi những lời rao tuyển sinh vào các lớp sửa chữa radio-ti vi. Trong tôi nảy sinh ước muốn được vào Sài Gòn học và nhân đó mà học thêm một cái nghề yêu thích. Từ đó mỗi lần nghe tiếng máy bay từ Sân bay Cù Hanh đi ngang qua xóm nhà, tôi lại thả hồn theo nó cùng cái ước mơ được vào Sài Gòn học cho đến khi nó khuất dạng phía xa.

Bây giờ hẻm xuống xóm chợ Nhỏ đã thoáng rộng và mang tên đường Phùng Hưng, chợ đã được chuyển vào khu đất trống bên trong từ những năm đầu 1970. Giờ đây không ai còn nghe tiếng chày giã gạo giữa đêm khuya vọng ra từ các lò bún vì người dân đã điện khí hóa mọi khâu của dây chuyền làm nên sợi bún tươi. Nhiều gia đình trong xóm làm ăn khá giả đã gửi con đi học xa từ những năm đầu của cấp phổ thông trung học, góp phần làm tăng số lượng xe khách chất lượng cao chạy tuyến Pleiku-TP. Hồ Chí Minh-Pleiku lên đến vài chục chiếc! Không còn cái cảnh như tôi ngày trước: vừa làm việc nhà vừa gửi theo chiếc máy bay cái ước muốn cháy bỏng “được đi Sài Gòn học” nữa…

Kiên Hoàng

Có thể bạn quan tâm