TN - Đất & Người

"Xóm cùi" nơi biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ấy là chúng tôi muốn nói đến một xóm nhỏ thuộc làng Lân ở xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai). Gọi là xóm chứ thực chất nơi đây chỉ chừng 16 nóc nhà nằm lọt thỏm dưới một thung lũng bao quanh bởi những vườn điều. Vài năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, con đường đất dẫn vào xóm đã được nhựa hóa và người dân “xóm cùi” đang thoát ra khỏi cái bóng của chính mình.

 
 Một góc “xóm cùi”. Ảnh: Anh Huy
Một góc “xóm cùi”. Ảnh: Anh Huy

Hơn 2 năm rồi chúng tôi mới trở lại thăm “xóm cùi”. Còn nhớ, lần đầu là khi chúng tôi cùng đoàn cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 6 (TP. Hồ Chí Minh) đến thăm, tặng quà cho bà con nhân dịp Tết Nguyên đán. Hình ảnh những bàn tay, bàn chân rơi rụng hết ngón vẫn cố gắng ôm vào lòng những món quà vừa nhận khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Bệnh tật, nghèo khó khiến cho con người nơi đây tự ti và chọn cách sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Ngay cả Trưởng xóm Rơ Châm Pênh cũng chẳng nhớ chính xác xóm được hình thành từ khi nào. Ông chỉ nhớ rằng, rất nhiều năm trước đây, những con người cùng cảnh ngộ từ khắp nơi trôi dạt về, sống nương tựa vào nhau. Lâu dần, số người cùng cảnh ngộ tăng lên rồi hình thành một “xóm cùi” sống dưới tận thung sâu, tách biệt với bên ngoài. Và, cuộc sống của họ dường như phụ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp của Nhà nước cùng những tấm lòng hảo tâm.

Lần trở lại này, “xóm cùi” trong cảm nhận của chúng tôi đã có nhiều đổi khác. Con đường đất và dốc xưa kia đã được thay thế bằng con đường rải nhựa sạch sẽ, thông thoáng. Xóm cũng không còn quạnh quẽ, hiu hắt mà tràn đầy sức sống với tiếng cười nói của trẻ nhỏ, tiếng xe máy nổ giòn, tiếng heo gà lúc sáng sớm hay chiều tà… Gặp chúng tôi, Trưởng xóm Rơ Châm Pênh nhận ra ngay, mặc dù đây mới là lần thứ hai chúng tôi ghé thăm xóm. Ông Rơ Châm Pênh giải thích: “Xóm mình ít người ghé thăm nên mỗi lần có khách là cả xóm đều nhớ hết!”.

Nói rồi, ông dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xóm và tự hào khoe rằng, trong xóm cũng mới có một vài cặp thanh niên kết hôn, tách ra sống riêng. Đây là những người hoàn toàn khỏe mạnh, không bị ảnh hưởng bởi căn bệnh phong quái ác. Kể cả những hộ mới tách thì đến nay, xóm có 16 hộ với 39 nhân khẩu. Nhưng trong 39 khẩu ấy, có đến gần 20 khẩu là bị di chứng của bệnh phong gây cụt mất ngón tay, ngón chân và chẳng thể lao động. Số thanh niên lành lặn, có thể lao động cũng chỉ vài người, còn lại là con trẻ đang trong tuổi cắp sách đến trường.

Vài năm trở lại đây, nhờ được chăm sóc sức khỏe định kỳ nên bệnh cũ không còn tái phát và bà con không còn chịu cảnh đau đớn; trong xóm cũng không còn người mắc bệnh mới. Sức khỏe được cải thiện, bà con cũng ý thức hơn trong việc cải thiện cuộc sống từ việc trồng thêm rau xanh trong vườn, nuôi thêm con heo, con gà… Đặc biệt, những thửa ruộng, mảnh vườn trước nay bỏ hoang cũng được bà con cải tạo để trồng trọt. Có người trồng vài chục cây điều, có hộ lại trồng vài gốc tiêu, trồng cây mì. Thanh niên khỏe mạnh trong làng ngoài làm ruộng, làm vườn còn tranh thủ đi làm thuê, làm công nhân ở các nông trường nên cuộc sống đang dần cải thiện. Mà điều dễ nhận thấy nhất là trong mỗi nóc nhà đã có sự xuất hiện của ti vi, máy quạt và cả xe máy. Hơn thế, niềm hy vọng của người dân trong xóm đang đặt hết vào những đứa trẻ, khi chúng may mắn được sinh ra lành lặn, khỏe mạnh. Ông Rơ Châm Pênh lạc quan: Xóm hiện có gần 10 cháu nhỏ đang độ tuổi cắp sách đến trường và hàng ngày chúng đều chăm chỉ học tập. Hy vọng, chính quyền địa phương sẽ quan tâm hơn nữa để các cháu yên tâm đến trường và trở thành những người có ích sau này.

Tất cả điều đó đã chứng minh rằng, người dân trong xóm đã và đang nỗ lực thoát ra cái vỏ bọc của chính mình bằng việc vươn lên trong khó khăn, chiến đấu với bệnh tật chứ không chỉ biết trông chờ, ỷ lại như trước đây. Tuy nhiên, do không có nhiều đất sản xuất, không có vốn liếng và không có lao động nên cuộc sống bà con vẫn còn bấp bênh. “Về lâu dài, người dân trong xóm vẫn cần lắm những sự giúp sức từ chính quyền địa phương cũng như các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm để bà con có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống”-ông Rơ Châm Pênh mong muốn.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm