TN - Đất & Người

“Xông đất” nhà triệu phú trẻ Kpuih Khốt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng mùng Ba Tết Quý Tỵ 2013, chúng tôi về công tác ở huyện biên giới Chư Prông và ghé “xông đất” nhà triệu phú trẻ Kpuih Khốt ở làng Pó thuộc xã Ia Kly. Năm nay anh mới bước sang tuổi 34 nhưng kinh tế gia đình thuộc dạng giàu có nhất nhì trong làng, bình quân mỗi năm có mức thu nhập khoảng 400 triệu đồng từ việc phát triển trồng trọt và chăn nuôi.

Theo anh, trong những năm tới đây mức thu nhập sẽ còn cao hơn nhiều khi vườn cà phê hơn 1 ha tiếp tục đưa vào kinh doanh và dự kiến sẽ mở rộng quỹ đất để trồng các loại cây kinh tế khác, nhất là cao su tiểu điền.

 

Kpuih Khốt bên những tấm bằng khen. Ảnh: Văn Thông
Kpuih Khốt bên những tấm bằng khen. Ảnh: Văn Thông

Trên đường đến nhà Kpuih Khốt, dọc 2 bên đường làng nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc, nhiều nhà còn treo những nhánh lan rừng trước sân nhà để đón mừng năm mới. Nhà Khốt cũng vậy, Khốt sắm sửa đầy đủ các loại đồ ăn, thức uống để tiếp đón khách đến chúc Tết, anh nói: Năm nay đón Tết ở làng mình vui lắm bởi cuộc sống của bà con khá hơn nhiều. Đêm Giao thừa thì cả làng tập trung tại nhà rông để đánh cồng chiêng, múa xoang và uống rượu ghè, trong những ngày Xuân thì bà con mặc đồ mới đến với nhau từng nhà để chúc mừng; còn đám thanh niên, thanh nữ thì dùng xe máy đi chơi xa hơn...

Trước đây nhà Kpuih Khốt còn nghèo lắm, cũng như bao gia đình khác trong làng hàng năm thường thiếu ăn đến vài ba tháng vào mùa giáp hạt. Khốt trở thành triệu phú kể từ khi được tiếp nhận vào làm công nhân cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, từ đây kiến thức được nâng lên và niềm tin với Đảng, với cách mạng được củng cố đã giúp cho anh có cái nhìn và cách làm ăn mới hơn và hiệu quả hơn. Năm 1997 anh được đơn vị giao quản lý và khai thác 1,5 ha cao su kinh doanh (1.500 cây cạo), ban đầu làm chưa quen nên năng suất còn thấp và dần về sau nắm bắt được kỹ thuật biết cách mở miệng cây một cách thuần thục, biết quản lý không để thất thoát mủ nên năng suất vườn cây ngày một cao, không thua kém gì các vườn cây của người kinh trong vùng.

Gần 10 năm trở lại đây, vườn cây của anh năm nào cũng vượt định mức sản phẩm giao nộp, ngoài tiền lương cơ bản đạt 6 triệu đồng/tháng và đến cuối năm được thưởng thêm từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Có nguồn thu ổn định từ vườn cây cao su cộng với kinh nghiệm làm ăn mới theo khoa học, anh đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi một số diện tích trước đây trồng các loại cây tạp hoặc bỏ hoang hóa để đưa vào trồng các loại cây hàng hóa. Anh trồng 2 ha cà phê, trong đó có 1 ha đã cho thu hoạch từ 7 năm nay và 1 ha mới trồng năm 2009 nay đã bắt đầu cho thu bói; riêng cây cà phê từ năm 2013 sẽ cho thu hoạch với giá trị từ 350 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Ngoài ra anh còn đầu tư cải tạo đất đưa vào trồng 1,5 ha mì cao sản với năng suất đạt 10 tấn/ha, nuôi 12 con bò sinh sản...

Làng Pó có đến hơn 20 lao động được tiếp nhận vào làm công nhân cao su trong Công ty và nhà nào cũng có mức sống khá giả cả, tuy nhiên trong làng vẫn còn đến 20 hộ nghèo do chưa biết cách làm ăn mới. Kpuih Khốt nghĩ rằng, mình được “may mắn” hơn là vào làm công nhân cao su nên đã thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu, mình phải có trách nhiệm giúp đỡ cho các hộ nghèo để có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Hàng năm, nhà Khốt thường cho các hộ nghèo có nhu cầu mượn tiền để mua cây giống, mua phân bón cho cây trồng, đến khi thu hoạch sản phẩm thì trả lại; đồng thời vừa giúp công vừa hướng dẫn kỹ thuật theo cách “cầm tay chỉ việc” cho bà con biết cách làm hiệu quả hơn... Vợ chồng Khốt hiện nay có 4 con đều là trai, trong đó có 2 đứa lớn đang học đến lớp 5 và 6 đều khỏe mạnh và chăm ngoan.

Theo phong tục của người Jrai, sinh con gái là quý hơn cả bởi còn “bắt chồng” về cho nhà mình; vợ chồng Khốt không có con gái nhưng cũng đã vận động cho vợ thực hiện kế hoạch hóa gia đình bằng biện pháp đặt vòng tránh thai. Kpuih Khốt nói: Mặc dù cha mẹ 2 bên đều phản ứng khi hay tin vợ chồng mình không đẻ nữa, tuy nhiên vợ chồng mình đã đồng thuận và kiên quyết bởi còn để giữ gìn sức khỏe và có thời gian chăm sóc cho con cái học hành đến nơi đến chốn, tập trung cho lao động sản xuất để tăng thêm nguồn thu...

Văn Thông

Có thể bạn quan tâm