Chính phủ yêu cầu, trong năm 2013, khẩn trương xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém, góp phần ổn định hệ thống ngân hàng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân.
Theo nội dung Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9-2012 vừa được Chính phủ ban hành ngày 5-10,Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, phối hợp với chính sách tài khóa để giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay cho sản xuất kinh doanh, nhưng không để lạm phát tăng trở lại.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cần tăng mức tín dụng cho khu vực nông nghiệp, thủy sản và các ngành nghề có khả năng tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm mức tăng tổng phương tiện tiện thanh toán như chỉ tiêu đề ra.
Ngoài ra, theo yêu cầu của Chính phủ, NHNN cần có các biện pháp kịp thời, phù hợp để tăng cường kỷ cương trong lĩnh vực ngân hàng; trong năm 2013, khẩn trương xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém, góp phần ổn định hệ thống ngân hàng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân.
Đồng thời, NHNN cũng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu trong toàn bộ hệ thống ngân hàng; tăng cường dự trữ ngoại tệ; kiểm soát chặt chẽ tỉ giá phù hợp với tín hiệu thị trường; bảo đảm đủ nguồn vốn cho học sinh, sinh viên vay để học tập.
Trước đó, thông tin từ cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9 chiều 27-9 cho biết: Tính đến ngày 31-8-2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 10,37%, so với 31-12-2011. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 11,23%.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đến 20/9 ước tăng 2,35% so với ngày 31-12-2011. Như vậy, chỉ riêng trong tháng 9, tín dụng ước tăng thêm gần 1%.
Theo đánh giá của các thành viên Chính phủ tại cuộc họp phiên thường kỳ tháng 9, thời gian qua, chính sách tiền tệ, tín dụng được điều hành một cách chặt chẽ, linh hoạt, kết hợp hài hoà với chính sách tài khoá, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Lãi suất cho vay đã giảm nhanh với tổng mức giảm từ 5-8%/năm, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; giảm dần tỷ trọng dư nợ đối với các lĩnh vực không khuyến khích.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu 9 tháng đầu năm bằng 0,04% tổng kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, xuất khẩu tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong khi nhập khẩu giảm mạnh và có xuất siêu 9 tháng đầu năm.
Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nhu cầu nhập khẩu của nhiều thị trường giảm. Việc giảm mạnh tốc độ tăng nhập khẩu và có xuất siêu cũng góp phần cân đối ngoại tệ, ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại tệ của Nhà nước.
Theo dantri