Vườn cây bị chặt phá. Ảnh: N.N |
Anh Trần Việt Lợi- nhân viên bảo vệ Dự án 194 Chư Pưh cho biết, khoảng 20 giờ 30 phút ngày 8-12, trong lúc anh em công nhân đang ở Công ty thì có nhiều đối tượng cầm dao, rựa, búa xông vào chém buộc anh em phải bỏ chạy vào rừng cao su, nhóm côn đồ này đã đuổi theo nhưng không kịp nên chặt phá vườn cây, đập phá tài sản. Ông Nguyễn Duy Hùng- phụ trách Dự án 194 Chư Pưh kể: “Có tới hàng chục người xông vào dùng đá ném; dùng hung khí dao rựa, búa, rìu chặt phá vườn cây và đập nhà xưởng”.
Cũng theo ông Hùng, những người kéo đến đập phá là người nhà của gia đình ông Nhuần và ông Nghề cư trú bất hợp pháp ở thôn 6, xã Ia Le cầm đầu. Đến khi Công an huyện huy động lực lượng xuống giải quyết thì nhóm côn đồ mới giải tán. Từ khi vụ việc xảy ra đã làm cho nhiều anh em công nhân của Công ty hoảng sợ không yên tâm lao động sản xuất, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển của Công ty. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp những người dân cư trú trái phép vào đánh công nhân Công ty 194 mà năm 2008, một nhóm côn đồ dân di cư tự do từ phía Bắc vào cũng đã kéo đến đánh anh Uyên (bảo vệ Công ty 194) bị thương nặng. Nhưng sau khi gây án, đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Theo điều tra được biết, nguyên nhân từ việc mâu thuẫn tranh chấp đất đai của một số dân di cư tự do từ phía Bắc vào. Năm 1997, ông Triệu Quang Thiệp di cư từ phía Bắc vào thôn 6, xã Ia Le thuê đất của 5 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để làm hoa màu nhưng sau đó làm ăn không có lãi nên đã trả lại cho người dân. Tuy nhiên, sau khi ông Thiệp mất, con ông Thiệp là Triệu Quang Phúc vẫn sử dụng diện tích đất trên của người dân địa phương để canh tác và mua bán trái phép cho các hộ dân di cư tự do từ nơi khác đến là bà Đương và ông Nhuần. Thực tế, diện tích đất này là của người dân tộc thiểu số địa phương thuộc dự án trồng cao su được UBND tỉnh Gia Lai cấp cho Công ty 194 đầu tư. Sau khi được tỉnh Gia Lai cấp đất, phía Dự án 194 Chư Pưh đã thực hiện hoàn thành việc thương lượng, đền bù đất đai cho người dân địa phương không khiếu nại gì. Thế nhưng khi vào khai hoang thì những người dân di cư tự do lấn chiếm, mua bán đất trái phép ở đây lại chống đối và có những hành động vi phạm pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Bá Cảnh- Phó Trưởng Công an huyện Chư Pưh cho biết, vụ việc đã được khám nghiệm hiện trường, chờ giám định tài sản thiệt hại để có căn cứ khởi tố vụ án hình sự, điều tra xử lý theo quy định. Thượng tá Nguyễn Bá Cảnh cũng cho biết, những đối tượng liên quan do phía bị hại cung cấp đã được cơ quan Công an mời lên để làm việc nhưng bước đầu họ chưa thừa nhận, cơ quan Công an vẫn đang điều tra làm rõ.
Được biết, ngày 17-12, phía lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Chư Pưh cũng đã có cuộc họp chỉ đạo các cơ quan chức năng ở huyện Chư Pưh phải xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm nhằm góp phần giáo dục, răn đe các đối tượng sai phạm.
Đề nghị các cơ quan chức năng ở huyện Chư Pưh cần khẩn trương xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm theo đúng quy định pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động cũng như doanh nghiệp, góp phần lập lại trật tự xã hội ở địa bàn và giữ vững kỷ cương phép nước.
Ngọc Như