Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Xử lý rác thải nguy hại: Hướng đến nền nông nghiệp "xanh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là xử lý rác thải nông nghiệp nguy hại và hướng đến xây dựng môi trường sản xuất “xanh”.
Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông hiện đang canh tác 8.950 ha cao su cùng với chế biến mủ cao su và chế biến gỗ. Hàng năm, lượng rác thải nguy hại từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty là tương đối lớn. Ông Võ Toàn Thắng-Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, toàn bộ lượng bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng cùng các loại rác thải nguy hại khác đều được thu gom, tập kết về kho và thuê đơn vị đủ năng lực xử lý”.  
Tại mỗi nông trường, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đều đầu tư xây dựng 1 nhà kho chứa rác thải nguy hại. Sau mỗi đợt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, công nhân tiến hành thu gom toàn bộ số bao bì, vỏ chai đưa về lưu giữ tại kho. “Chúng tôi ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh (tỉnh Bình Định) để vận chuyển toàn bộ lượng rác thải nông nghiệp nguy hại về nhà máy tại tỉnh Bình Định để xử lý theo quy định”-ông Thắng cho hay.
Kho chứa rác thải nguy hại của Nông trường Cao su Thanh Bình (thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông). Ảnh: Lê Hòa
Tại Công ty cổ phần Chè Biển Hồ, việc thu gom rác thải nông nghiệp nguy hại cũng được thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Ông Trịnh Đình Trường-Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: “Vùng nguyên liệu chè khoảng 300 ha của Công ty ở xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) hầu hết xen lẫn hoặc nằm gần các khu vực danh lam thắng cảnh, nơi có đông du khách thường xuyên đến tham quan. Bởi vậy, vấn đề bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan xanh-sạch-đẹp luôn được Công ty và chính quyền xã Nghĩa Hưng quan tâm”. Trên cơ sở hệ thống các bể chứa rác thải nguy hại được xây dựng dọc các đường trục chính qua vườn chè, hàng tháng, Công ty sẽ đi thu gom, tập kết về kho chứa của nhà máy. Định kỳ 3-6 tháng/lần, Công ty cổ phần Cơ-Điện-Môi trường LILAMA (tỉnh Quảng Ngãi) sẽ thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý an toàn. 
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu gom rác thải nông nghiệp nguy hại lại không dễ thực hiện triệt để bởi phần lớn người dân đã quen với việc “tiện đâu, vứt đó”. Để thay đổi thói quen đã thành nếp này không phải là chuyện trong một sớm, một chiều. Thậm chí, Công ty cổ phần Chè Biển Hồ đã phải đưa ra “chế tài” riêng để buộc người lao động phải tuân thủ. “Có những bể chứa đặt cạnh vườn cây nhưng lúc trước người lao động vẫn ít chịu bỏ rác thải vào đấy mà hễ sử dụng xong thì vứt lung tung. Với quyết tâm thay đổi thói quen xấu này, Công ty đã cắt cử 1 nhân viên thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện ai vi phạm sẽ tạm dừng thanh toán lương. Từ khi có chế tài này, người lao động đã thực hiện nghiêm túc”-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Biển Hồ cho biết. 
Công nhân giao nộp rác thải nông nghiệp nguy hại về kho chứa của Nông trường Cao su Thanh Bình (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông). Ảnh: Lê Hòa 
Đánh giá về công tác xử lý chất thải nông nghiệp nguy hại trên địa bàn tỉnh, bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho hay: Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn có địa bàn hoạt động rộng, lượng rác thải nông nghiệp nguy hại bị phân tán. Do đó, việc thu gom gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, lượng rác thải nông nghiệp nguy hại hàng năm chưa đủ lớn để có thể đầu tư nhà máy xử lý rác thải nguy hại. “Chúng tôi khuyến khích các đơn vị triển khai nghiêm túc, triệt để việc thu gom, xử lý rác thải để bảo vệ môi trường. Đồng thời, kêu gọi mỗi hộ dân, mỗi đơn vị sản xuất hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường sống, bắt đầu từ những việc nhỏ như phân loại, thu gom để có phương án xử lý rác thích hợp”-bà Vinh nói.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm