Xưa nay nghề thuốc Đông y

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một trong những mảnh ghép không thể thiếu của đời sống cư dân Pleiku (tỉnh Gia Lai) là các nhà thuốc Đông y vang bóng một thời như Bảo Thọ Xuân, Cao Nguyên, Nhơn Thọ Đường, Lâm Như Tòng... Nhiều thập niên trôi qua nhưng ký ức về các nhà thuốc này vẫn hiện hữu trong dòng chảy đô thị Pleiku hôm nay.

Theo dấu hương xưa

Không mấy người còn nhớ chính xác về thời điểm sáng lập các nhà thuốc Đông y nổi tiếng một thời ở Pleiku mà chỉ áng chừng khoảng những năm 1960-1965 đã có nhà thuốc Bảo Thọ Xuân trên đường Hoàng Diệu (nay là đường Hùng Vương), nhà thuốc Cao Nguyên kế bên nhà thờ Thăng Thiên (nay là đường Quang Trung), nhà thuốc Nhơn Thọ Đường ở khu vực chợ Lớn (nay là đường Trần Phú), nhà thuốc Lâm Như Tòng ở khu vực cầu Hội Phú (nay là đường Nguyễn Viết Xuân). Trong đó, ngoài nhà thuốc Lâm Như Tòng, 3 nhà thuốc còn lại đều do người Hoa sáng lập.

Theo lời kể của bác sĩ Lâm Như Quý-người con thứ 8 của lương y Lâm Như Tòng (1925-1991), gia đình ông có truyền thống theo nghề Đông y. Năm 1960, lương y Lâm Như Tòng đã đưa gia đình từ Bình Định lên Pleiku sinh sống ở hẻm Gà Cồ, sau đó chuyển về khu vực cầu Hội Phú. “Hồi đó, ba tôi mở 1 tiệm thuốc Tây, 1 tiệm thuốc Đông y. Tâm nguyện lớn nhất của ba khi làm nghề là cứu người nên giúp được ai là ông không quản ngại. Theo thời gian, nhà thuốc ngày càng phát triển, lượng khách ngày một đông. Có thời điểm, hầu như cả gia đình đều tập trung làm thuốc, cắt thuốc, tán thuốc, sắc thuốc. Dược liệu thời đó rất tốt, rất chất lượng nên mùi thuốc Bắc từ trong nhà theo gió lan tới cầu Hội Phú”-bác sĩ Quý hồi nhớ.   

Các nhà thuốc Đông y truyền thống vẫn là địa chỉ đáng tin cậy của nhiều người dân. Ảnh: Sơn Ca
Các nhà thuốc Đông y truyền thống vẫn là địa chỉ đáng tin cậy của nhiều người dân. Ảnh: Sơn Ca


Thị xã Pleiku xưa chỉ có 1 quân y viện, 1 nhà thương dân sự (bây giờ là khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết). Ngoài ra, tại khu vực Diệp Kính có 3 phòng khám tư nhân của các bác sĩ: Căn, Ánh, Trương Thìn và 1 phòng khám từ thiện của đạo Tin lành (khu vực đường Lê Thánh Tôn ngày nay). Vậy nên, các nhà thuốc Đông y là địa chỉ tin cậy của nhiều người dân Phố núi mỗi khi trái gió trở trời. Nhắc lại chuyện xưa, bà Nguyễn Thị Nga (SN 1964, tổ 5, phường Ia Kring) không khỏi bùi ngùi: “Hồi đó, hầu như gia đình nào cũng khổ, thiếu ăn thiếu mặc, nhất là những nhà đông con nên không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe bài bản như bây giờ. Lúc còn nhỏ, mỗi khi bị cảm mạo, phong hàn, đau bụng, mấy chị em tôi thường tự cạo gió, thoa dầu cho nhau hoặc tới nhà thuốc Đông y mua gói thuốc bột, thuốc viên về uống là bớt. Tôi vẫn nhớ mấy nhà thuốc nổi tiếng như nhà thuốc Lâm Như Tòng, nhà thuốc của ông già Tàu ở chợ Lớn. Cho tới những năm 1980-1990, mỗi lần đi ngang chợ Lớn, tôi vẫn bắt gặp hình ảnh ông già Tàu chủ hiệu thuốc đứng thong dong hóng gió trước tiệm”. Còn bà Phạm Thị Sáu (SN 1939, tổ 1, phường Phù Đổng)-một trong những người ở Bình Định lên Pleiku định cư từ năm 1965 thì hồi tưởng: “Nhà thuốc Lâm Như Tòng khi đó rất nổi tiếng. Vợ chồng ông Tòng tính tình rất hiền, thương người. Hễ thấy bà con nào nghèo khổ, khó khăn là sẵn lòng cho thuốc không lấy tiền”.

Sau năm 1975, khi 2 nhà thuốc Bảo Thọ Xuân và Cao Nguyên đóng cửa thì nhà thuốc Nhơn Thọ Đường do lương y Trịnh Sư Song (1919-1990) sáng lập tiếp tục hoạt động tại địa chỉ 141 Trần Phú. Anh Trịnh Chấn Nguyên-người kế nghiệp thế hệ thứ 3 của Nhơn Thọ Đường-cho hay: Ông Trịnh Sư Song là người ở TP. Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Sau một thời gian hành nghề ở nhiều nơi, từ Tuy Hòa (Phú Yên) cho tới Đà Nẵng, ông Song đã quyết định dừng chân tại Pleiku gầy dựng nhà thuốc Nhơn Thọ Đường. Không vợ không con nên ông Song đã tận tình chỉ dạy, truyền nghề cho người cháu ruột là ông Trịnh Thành Đức (ba của anh Trịnh Chấn Nguyên-N.V). “Năm 1990, sau khi ông Song mất, ba tôi kế nghiệp nhà thuốc Nhơn Thọ Đường. Nghe ba tôi kể lại rằng, ông Song rất giỏi chuyên môn chẩn bệnh, bốc thuốc, chữa trị hầu hết các bệnh cho nam phụ lão ấu. Lúc đó, nhà thuốc hoạt động trong phạm vi gia đình, người làm chỉ có 2 bác cháu nhưng lượng khách khá đông nên ông tôi đã đặt ra quy định giờ giấc tiếp bệnh nhân chứ không phải mở cửa hoạt động cả ngày như hiện nay”-anh Nguyên kể.

Nối nghiệp cha ông

Sau năm 1975, trong số các nhà thuốc Đông y do người Hoa sáng lập thì chỉ còn nhà thuốc Nhơn Thọ Đường có 2 thế hệ tiếp nối nghiệp. Hiện nay, nhà thuốc có tên gọi chính thức là Phòng chẩn trị y học cổ truyền Nhơn Thọ Đường do anh Trịnh Chấn Nguyên quản lý và vẫn duy trì lượng khách hàng ổn định. Ông Thái Hòa (thôn 1, xã Chư Á, TP. Pleiku) cho biết: “Từ thời ông cụ người Hoa còn sống, tôi đã thường mua thuốc ở đây. Về chất lượng dược liệu và giá cả cũng phải chăng. Hôm nay, tôi tới mua mấy thang thuốc về để bồi bổ sức khỏe”.

Còn anh Nguyên thì chia sẻ: “Là thế hệ thứ 3 của Nhơn Thọ Đường, tôi may mắn được kế nghiệp vốn quý nhất là tên tuổi, uy tín, kinh nghiệm làm nghề hơn 50 năm của cha ông để lại. Lĩnh vực y học cổ truyền luôn có tính kế thừa, phát huy và đổi mới kết hợp với y học hiện đại, cộng thêm sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa nên hoạt động của nhà thuốc ngày càng chuyên nghiệp, bài bản hơn, đáp ứng kịp thời các yêu cầu thực tế đặt ra”.  

Nhà thuốc An Thanh Đường do lương y Nguyễn Ngữ sáng lập có bề dày hoạt động hơn 35 năm. Ảnh: Sơn Ca
Nhà thuốc An Thanh Đường do lương y Nguyễn Ngữ sáng lập có bề dày hoạt động hơn 35 năm. Ảnh: Sơn Ca



Nói về các nhà thuốc Đông y xưa và nay ở Pleiku, lương y Nguyễn Ngữ-Chủ tịch Hội Đông y tỉnh-cho biết: “Sau năm 1975, thị xã Pleiku chỉ có lương y Tsài Txìn (ông Tàu Xìn) là có bằng Đông y sĩ của chế độ cũ, còn lại 68 người hành nghề Đông y nhưng không có chứng nhận. Năm 1985, Hội Đông y tỉnh đã xin phép cơ quan có thẩm quyền tổ chức cho những người này học chuyên môn 6 tháng. Sau đó, tổ chức thi sát hạch, những người đạt yêu cầu thì được Sở Y tế cấp bằng lương y để tiếp tục hành nghề. Đến năm 1992, Sở Y tế và Hội Đông y tỉnh tiếp tục tổ chức lớp lương dược cho 54 người hành nghề Đông y”.

Chia sẻ thêm về cơ duyên đến với nghề, lương y Nguyễn Ngữ giãi bày: “Mẹ tôi sau một đợt phẫu thuật thì phải dùng thuốc Tây y rất nhiều nên bị dị ứng kháng sinh. Khi đó, mẹ tôi chuyển sang dùng thuốc Đông y của nhà thuốc Bảo Thọ Xuân thì thấy sức khỏe tốt lên. Sau khi nhà thuốc Bảo Thọ Xuân ngừng hoạt động, mẹ tôi phải dùng thuốc của nhà thuốc khác nhưng không đỡ. Thương mẹ, tôi đã trăn trở tìm nguyên nhân thì hữu duyên gặp hòa thượng Giác Ngộ, được thầy chỉ dạy học tiếng Hán để tìm hiểu, đọc sách về Đông y. Đến năm 1985, tôi sáng lập nhà thuốc Đông y An Thanh Đường (số 60-62A Văn Cao, xã Trà Đa)”.

Theo lương y Nguyễn Ngữ, ngày nay, các phòng chẩn trị y học cổ truyền trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển. Một số phòng khám vừa có sự kế thừa truyền thống vừa kết hợp tiêu chuẩn hiện đại. Về con người, đã có sự tiếp nối một cách bài bản truyền thống gia đình ở nhiều nhà thuốc tên tuổi. Đơn cử như nhà thuốc Minh Quang, con cháu kế nghiệp có trình độ chung là y sĩ, dược sĩ trung cấp; nhà thuốc Tế Phước Đường có 2 người con là lương y, 1 người con là y sĩ; nhà thuốc Thái Hòa có 2 con trai là lương y; lương y Tsài Txìn (ông Tàu Xìn) ở đường Nguyễn Trãi có con trai là bác sĩ Yê Thiên Pău đang công tác tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh; lương y Lâm Như Tòng có con trai là bác sĩ Lâm Như Quý, lương y Lâm Như Phúc; nhà thuốc An Thanh Đường của lương y Nguyễn Ngữ có 2 con là lương y Nguyễn Vững, bác sĩ Nguyễn Thiên Thư; nhà thuốc Hải Đăng của lương y Phạm Hải Đăng có con trai là bác sĩ, con dâu là y sĩ.

“Hơn 35 năm làm nghề, theo sát từng giai đoạn phát triển của nghề nên tôi luôn trăn trở tìm mọi cách để các nhà thuốc Đông y phát triển có tính kế thừa. Chỉ những người kế thừa mới có đủ nhiệt tình, động lực để theo nghề, phát huy tính truyền thống thì các nhà thuốc mới duy trì và phát triển được. Một điều rất đáng ghi nhận là từ năm 2018 đến năm 2022, Gia Lai đã có nhiều thầy thuốc Đông y tiêu biểu được Trung ương công nhận, như: bác sĩ Đặng Mộng Tuyết, Nguyễn Thanh Hùng, lương y Phạm Hải Đăng, Nguyễn Hữu Trung và tôi”-lương y Nguyễn Ngữ tâm sự.

 

 SƠN CA