(GLO)- Chúng tôi đến Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) vào một ngày cuối năm Nhâm Thìn. Những phạm nhân một thời lầm lỗi đang hồ hởi trong không khí bận rộn chuẩn bị tổ chức đón Tết cổ truyền của dân tộc với biết bao ước vọng...
Ấm áp tình đời
Đang cùng mọi người dọn dẹp căn phòng, quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, Nguyễn Thế Phương (26 tuổi) ở Phân trại số 4 chia sẻ: “Đã 3 cái Tết ở trại, em rất nhớ nhà, nhớ không khí Tết những ngày đầm ấm quây quần cùng gia đình. Song, được sự chia sẻ, động viên của cán bộ quản giáo, em thấy vui tươi hơn. Đêm Giao thừa, Ban Giám thị tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ và tới từng buồng giam chúc Tết các phạm nhân”.
Các phạm nhân gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết. Ảnh: H.L |
Phương còn cho biết, qua Tết mẹ lại dành thời gian xuống thăm, động viên phấn đấu học tập, lao động tốt. “Mỗi lần như thế em thấy mình càng có lỗi với gia đình, với người thân. Em tự hứa sẽ phấn đấu tốt hơn. Không còn bao lâu nữa, sau cái Tết này em sẽ cùng với gia đình sum vầy bên nhau”-Phương tâm sự trong niềm phấn khởi.
Cũng trong tâm trạng hồi hộp chờ Tết đến, Vũ Thị Thu Thủy năm nay bước sang tuổi 30 chia sẻ: “Tết đến, không khí thêm rộn ràng, hồi hộp khi tất cả mọi người đều chung tay từ dọn vệ sinh, cắt hoa trang trí đến tập văn nghệ, trang hoàng hội trường… Điều đó làm tôi nguôi ngoai bớt nỗi nhớ nhà. Đặc biệt, đêm Giao thừa, các cán bộ quản giáo ở lại chung vui, động viên, làm cho tôi càng nghĩ về trách nhiệm của mình, về những việc làm đã qua”.
Trong câu chuyện của mình, Thủy cho biết đã có 3 mặt con. Đứa con trai lớn 10 tuổi, đứa nhỏ mới hơn 3 tuổi. “Ly hôn năm 2009 và một mình nuôi ba đứa con. Tôi cứ lấy hoàn cảnh, lấy con cái để trấn an mình khi làm việc sai trái để rồi phải trả giá mức án nghiêm khắc 6 năm tù cho tội danh mua bán ma túy. Tết đến, tôi lại thấy mình có lỗi với các con khi phải vắng bàn tay chăm sóc của mẹ. Mọi việc chăm lũ trẻ gần như nhờ vào bàn tay khẳng khiu của người mẹ già đã bước sang tuổi 70. “Tôi đếm ngược thời gian để mong muốn được trở về với gia đình, với cuộc sống tự do mà tôi đã “đánh mất”.
Bây giờ tôi đã hiểu thế nào là giá trị của sự tự do, của cuộc sống gia đình. Nhất là những ngày này, trong tôi lại càng trào dâng niềm hối tiếc vì sai lầm mà mình phạm phải. Tôi tự hứa sẽ cải tạo tốt để sớm được trở về nhà, được sum họp với gia đình. Khi trở về nhà, tôi sẽ làm lại từ đầu bằng chính sức lao động của mình để rồi khi lớn lên những đứa con của tôi sẽ không phải mặc cảm”-Vũ Thị Thu Thủy trải lòng.
Mong ngày trở về
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đình Ba- Giám thị Trại giam Gia Trung cho biết: “Ngoài việc lên kế hoạch đảm bảo an toàn trong việc quản lý, giáo dục phạm nhân, Ban Giám thị cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ đều chuẩn bị Tết cho phạm nhân đảm bảo đúng chế độ và thể hiện tinh thần nhân đạo của Nhà nước ta trong những ngày Tết cổ truyền; đảm bảo vui tươi, phấn khởi”. Một cán bộ quản giáo còn cho biết, không chỉ phạm nhân mà cả Ban Giám thị và cán bộ quản giáo cũng đều ăn Tết trong trại. Tất cả đều vui vẻ để hoàn thành trọng trách của mình để cho mọi người vui tươi, đầm ấm và phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Tết đến, toàn Trại giam Gia Trung được nghỉ lao động và được tăng khẩu phần ăn theo chế độ quy định. Đêm Giao thừa, các phạm nhân được xem chương trình đón Xuân và ba ngày Tết cũng được xem ti vi cả ngày. Trong đêm Giao thừa, Ban Giám thị còn tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ “Mừng Đảng-mừng Xuân”, tổ chức “hái hoa dân chủ”.
Qua đó, các phạm nhân được tham gia hát những bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ và tình yêu quê hương đất nước. Những lời ca, tiếng hát, những lời chúc Tết đã tiếp sức cho những con người một thời lầm lỗi nỗ lực vượt qua mặc cảm, phấn đấu tốt hơn nữa sớm trở về với cộng đồng… “Tết là dịp để mọi người sum họp, vui vầy. Đối với phạm nhân, họ lại càng trăn trở với nhiều nỗi niềm mong mỏi, tiếc nuối… Bởi vậy, trách nhiệm của người quản giáo ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự cũng luôn coi trọng chữ “nhân” để động viên những người một thời lầm lỗi quyết tâm cải tạo tốt, sớm về sum họp với gia đình. Đó chính là đạo lý của dân tộc ta và cũng là chính sách nhân đạo của Nhà nước. Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời, mùa Xuân vẫn rộn ràng ở nơi tưởng chừng như không có Tết”- Đại tá Nguyễn Đình Ba cắt nghĩa.
Huỳnh Lê