Kinh tế

Xuân về trên những “cánh đồng vàng”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2010 là năm “vàng” của nông nghiệp khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai. Nhờ thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cùng với thời tiết thuận lợi nên nông dân đã có những vụ mùa bội thu…
Niềm vui được mùa, được giá
Những ngày cuối năm, thời tiết trở nên se lạnh, dù hơi thở của mùa Xuân đã bắt đầu tràn về trong từng ngôi nhà, góc phố. Nhưng trên những cánh đồng mía trải dài tại các địa phương khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai, người dân vẫn nô nức thu hoạch trong niềm vui được mùa, được giá.
Đưa vạt áo lau vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm, anh Nguyễn Viết Hội, xã Thành An-thị xã An Khê rạng ngời tâm sự: “Gia đình tôi có 2 ha mía, những năm trước năng suất phập phù, nhưng sau khi được cung cấp giống mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất năng suất năm nay đạt gần 120 tấn/ha. Với giá cả hiện nay 960.000 đồng/tấn, sau khi trừ chi phí gia đình tôi còn lãi hơn 100 triệu đồng. Tết này chắc chắn sẽ “ấm” hơn…”.
Nông dân huyện Đak Pơ chăm sóc mía. Ảnh: Lê Anh
Nông dân huyện Đak Pơ chăm sóc mía. Ảnh: Lê Anh
Hiện nay, với hơn 19.000 ha mía trên toàn khu vực phía Đông tỉnh, hàng ngàn nông dân đang trọn niềm vui của một “mùa mía ngọt” khi những cánh đồng của họ cho thu nhập cao. Ông Nguyễn Tấn Cương- Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho biết: “Đến thời điểm này, Nhà máy Đường An Khê đã thu mua hơn 260.000 tấn mía cho nông dân, Nhà máy sẽ tiến hành thu mua nguyên liệu đến ngày 28 Âm lịch. Chúng tôi cũng cố gắng giải quyết nhanh gọn, chỉ sau 2 tiếng đồng hồ người dân sẽ nhận được tiền bán mía.
Niềm vui của nông dân không chỉ dừng ở cây mía, với việc đưa các giống mới vào sản xuất trong niên vụ này, gần 30.000 ha bắp trên khu vực phía Đông cũng có một “mùa vàng”. Ông Trần Xuân, xã Yang Trung (huyện Kông Chro) hồ hởi: “Những năm trước, ai dám nghĩ sẽ thu nhập hàng chục triệu đồng từ trồng bắp, nhưng năm nay đã khác, những người trồng bắp như gia đình tôi được mùa lớn, giá bắp lên cao từ 3.200 đồng đến  4.000 đồng/kg, các giống bắp mới cho năng suất hơn 10 tấn/ha. Nên với 1,5 ha bắp gia đình tôi thu nhập hơn 20 triệu đồng…”.
Bên cạnh đó, các loại cây trồng khác như mì, bí đỏ, ớt… cũng đã đem đến cho nông dân một nguồn thu nhập ổn định. Những cánh đồng “triệu phú” đang hình thành ngày càng nhiều trên khu vực phía Đông là tiền đề để từng bước hình thành một nền nông nghiệp bền vững nơi đây.
Để những cánh đồng… mãi xuân   
Sau nhiều năm trong vòng lẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nông dân bắt đầu có những tính toán khoa học hơn trong sản xuất. Sự hợp tác của bốn nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà kinh doanh) đã tạo ra hiệu quả.
Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp đưa các giống cây trồng mới đạt hiệu quả cao vào thử nghiệm và sản xuất trên địa bàn huyện. Cùng với đó, huyện đã kết hợp với các nhà máy để đảm bảo sản phẩm của nông dân làm ra được tiêu thụ ổn định, đồng thời khuyến cáo người dân không nên ồ ạt sản xuất theo thị trường để tránh tình trạng dư thừa nguyên liệu. Nhờ đó ngành nông nghiệp của huyện đã có những chuyển biến theo hướng tích cực…”.
Nông dân huyện Kông Chro thu hoạch dưa hấu tết. Ảnh: Lê Anh
Nông dân huyện Kông Chro thu hoạch dưa hấu tết. Ảnh: Lê Anh
Điển hình nhất trong sự liên kết chặt chẽ của bốn nhà là cây mía, bông vải khi về các nhà máy luôn có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương để phát triển vùng nguyên liệu. Cùng với đó, nhà máy đã đưa cơ giới hóa các khâu làm đất, thu hoạch và cung cấp giống mía mới cho nông dân. Bên cạnh các khâu kỹ thuật, nhà máy đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và bảo hiểm giá mía, cung cấp phân bón, cử các nhà chuyên môn phổ biến những kiến thức khoa học cho nông dân nên vùng nguyên liệu luôn ổn định và giữ vững.
Xu thế liên kết giữa bốn nhà ngày càng chặt chẽ, nên trong vài năm trở lại đây các nhà máy đứng chân tại các huyện, thị xã khu vực phía Đông đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nông dân phát triển sản xuất.
Tín hiệu vui của vùng trọng điểm nông nghiệp phía Đông đã mở ra tương lai tươi sáng cho nền kinh tế của khu vực nói riêng và của tỉnh nhà nói chung. Dù trước mắt còn rất nhiều khó khăn, nhưng với tiền đề này chắc chắn trong tương lai nông nghiệp nơi đây sẽ có những bước đột phá và phát triển bền vững.
Lê Anh

Có thể bạn quan tâm