Pháp luật

Tin tức

Xuất hiện hành vi lừa đưa người Việt sang nước ngoài bán cho công ty đánh bạc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, gần đây xuất hiện hành vi lừa đảo, lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo, đưa người Việt Nam sang một số nước Đông Nam Á để lao động, nhưng thực chất là bán cho các công ty đánh bạc trực tuyến.

Phát biểu tại Hội nghị quán triệt và triển khai Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và Nghị quyết 169 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác Người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021 - 2026 vào ngày 29.6, thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết lực lượng công an tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có việc ngăn chặn tình trạng người Việt Nam ở nước ngoài vi phạm pháp luật.
 

Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đậu Tiến Đạt


Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, từ năm 2018 đến nay, lực lượng công an đã xử lý gần 800 vụ việc theo yêu cầu của các nước liên quan đến công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài; đã xác minh và tiếp nhận hơn 25.000 trường hợp bị nước ngoài trục xuất.

Tuy nhiên, tình hình người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp. "Tình trạng cư trú, nhập cư bất hợp pháp, các tội phạm về buôn bán người, mại dâm liên quan đến người Việt xảy ra tại nhiều quốc gia", Thứ trưởng Bộ Công an cho biết.

Nổi lên trong thời gian gần đây xuất hiện hành vi lừa đảo, lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo, đưa người Việt Nam sang một số nước Đông Nam Á để lao động, nhưng thực chất là bán cho các công ty đánh bạc trực tuyến.

 

 Công an làm việc với nạn nhân bị lừa sang lao động tại Campuchia. Ảnh: Ngọc Thành
Công an làm việc với nạn nhân bị lừa sang lao động tại Campuchia. Ảnh: Ngọc Thành


Bên cạnh đó, các tội phạm liên quan tới ma túy, trộm cắp, đánh bạc, tín dụng đen, buôn bán và vận chuyển sản phẩm từ động vật hoang dã cũng diễn ra thường xuyên và bị xử lý bởi các cơ quan chức năng nước sở tại.

Về nguyên nhân của thực trạng trên, lãnh đạo Bộ Công an chỉ ra một số khó khăn hiện tại như là quy định pháp luật hiện hành thiếu tính răn đe, chế tài chưa nghiêm khắc đối với doanh nghiệp để xảy ra tình trạng người Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng vi phạm pháp luật nước sở tại.

Hoạt động tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép ngày càng tinh vi, chặt chẽ xuyên quốc gia, với sự phân công theo từng công đoạn giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài. Sự đồng thuận giữa các đối tượng tổ chức môi giới ngoài nước với thân nhân gia đình và bản thân đối tượng có nhu cầu ra nước ngoài lao động. Do đó, các đối tượng bị ngăn chặn hoặc bị trục xuất về nước bất mãn, không hợp tác với các cơ quan chức năng.

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, để đấu tranh ngăn chặn, xử lý triệt để người Việt Nam vi phạm ở nước ngoài, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng như việc siết chặt quản lý các doanh nghiệp đưa công dân đi lao động làm việc ở nước ngoài, tăng cường quản lý các công ty du lịch quốc tế nhằm tránh lợi dụng để tránh ở lại nước ngoài trái phép...

 

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đậu Tiến Đạt


Nhắc đến thực trạng người Việt phạm pháp ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng đây chỉ là hành vi của một nhóm rất nhỏ nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.

"Chúng tôi cho rằng cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc hỗ trợ bà con Việt Nam hội nhập thành công, tuân thủ nghiêm túc pháp luật sở tại", ông Sơn khẳng định.

Theo ĐẬU TIẾN ĐẠT (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm