Để xuất khẩu càphê đạt mục tiêu 6 tỉ USD vào năm 2030, các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến, đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng thị trường.
Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu càphê đạt kim ngạch 6 tỉ USD vào năm 2030. Ảnh: Vũ Long |
Càphê nằm trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, càphê xuất khẩu Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil, có mặt hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, Anh và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Trong những năm gần đây, ngành càphê Việt Nam đã có nhiều thay đổi, ngoài xuất khẩu càphê nhân, Việt Nam đã đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu càphê rang xay, hòa tan, khai thác tối đa lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỉ USD vào năm 2030. Trong các FTA Việt Nam đã tham gia ký kết, tất cả các thị trường đều mở cửa cho sản phẩm càphê chế biến của Việt Nam với mức thuế ưu đãi từ 0-5%, đây là lợi thế để càphê Việt Nam có thể cạnh tranh với các "đối thủ" xuất khẩu càphê "nặng ký" như Brazil.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong 11 tháng năm 2021, giá càphê tăng trở lại đã nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu càphê ở mức lạc quan: Mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm 4,4% nhưng giá trị kim ngạch vẫn tăng 5,9% (tính đến 15.11.2021, giá trị kim ngạch đạt 2,54 tỉ USD). Cà phê là một trong 6 mặt hàng đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỉ USD/năm trong nhóm nông, lâm, thủy sản (gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, caosu, rau quả, gạo, càphê).
Theo Bộ Công Thương, để hỗ trợ xuất khẩu càphê chinh phục những "đỉnh cao" mới, mở rộng thị trường, trong năm 2022 Bộ Công Thương đẩy mạnh phối hợp với Bộ NNPTNT, các địa phương, hiệp hội ngành hàng triển khai các chương trình quảng bá, hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung và càphê nói riêng sang thị trường khu vực thị trường Châu Âu – Châu Mỹ.
Cụ thể, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến càphê xuất khẩu gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực này, từ đó tìm hiểu, nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng của khách hàng nước ngoài, đưa sản phẩm càphê mang thương hiệu Việt có chất lượng, giá trị gia tăng cao tới tận tay người tiêu dùng nước ngoài, chiều 7.12, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tập đoàn Central Retail tổ chức Hội thảo kết nối thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm càphê chế biến sang thị trường nước ngoài. Các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất, chế biến càphê, xây dựng thương hiệu, đóng gói sản phẩm… đến từ các nước Pháp, Ý, Hà Lan đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm hữu ích về nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng càphê tại các thị trường này, đưa đến cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến càphê Việt Nam nhiều thông tin bổ ích để xây dựng hướng đi chiến lược cho xuất khẩu càphê trong giai đoạn tới.
Từ năm 2019 đến nay, trong khuôn khổ Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài, Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến càphê xuất khẩu về thông tin thị trường, cũng như tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, các chương trình giới thiệu, quảng bá càphê Việt Nam tới đối tác nước ngoài. |
https://laodong.vn/kinh-te/xuat-khau-caphe-viet-nam-huong-toi-muc-tieu-6-ti-usd-982273.ldo
Theo VŨ LONG (LĐO)