Kinh tế

Xuất khẩu nông sản năm 2010: Hướng tới chỉ tiêu 160 triệu USD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hy vọng sẽ có một “mùa vàng” trong lĩnh vực xuất khẩu, trong đó có các mặt hàng nông sản khi tỉnh ta đặt ra chỉ tiêu xuất khẩu khá cao trong năm nay: 160 triệu USD. 

Theo dự báo mới nhất của Sở Công thương Gia Lai, kim ngạch xuất khẩu tháng 1-2010 đạt xấp xỉ 9 triệu USD, tăng 13,02% so với cùng kỳ năm trước. Mủ cao su và cà phê là hai sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao, đạt kim ngạch lần lượt là gần 4,7  triệu USD và trên 1 triệu USD. Thông tin này dù chưa khẳng định được gì nhiều so với cả năm 2010 nhưng cũng là tin mừng đầu năm khi các thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu của tỉnh đã “mở cửa” sau một thời gian lo đối phó với khủng hoảng kinh tế.

Phơi cà phê xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh
Phơi cà phê xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh

Đây là năm đầu tiên tỉnh ta đặt ra chỉ tiêu xuất khẩu khá cao, 160 triệu USD (tăng 33,33% so cùng kỳ năm trước). Chỉ tiêu “đón đầu” này đang được hy vọng sẽ thành công khi kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu khả quan trở lại. Chỉ riêng thế mạnh của mình trong lĩnh vực nông sản, tỉnh ta có nhiều khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu cao trong năm nay. Kinh tế hồi phục cũng kéo theo nhu cầu nguyên liệu mủ cao su tăng- một mặt hàng có thế mạnh của tỉnh ta. Hay các mặt hàng khác như hồ tiêu, tinh bột sắn, cà phê cũng được dự báo là sẽ đem về một lượng ngoại tệ đáng kể.

Chỉ trong tháng 1 đầu năm 2010, khối lượng tinh bột sắn của các nhà máy tinh bột sắn của tỉnh ta ước đạt trên 4.000 tấn, tăng gấp 3,1 lần so cùng kỳ năm trước. Trong đó, Công ty TNHH Ve Yu đã có sản lượng trên dưới 500 tấn, tăng trên 6 lần so cùng kỳ. Một số lượng lớn tinh bột sắn được xuất khẩu sang các thị trường truyền thống thuộc khu vực châu Á. Hiện nay tỉnh ta đã có trên 56 ngàn ha đất trồng mì, có 4 nhà máy chế biến tinh bột với tổng công suất trên dưới 65 ngàn tấn tinh bột/năm. Tuy nhiên, giá mì trồi sụt trong một hai năm trở lại đây khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn.

Cũng gặp khó khăn trong công tác xuất khẩu là cà phê, một trong những nông sản mạnh của khu vực Tây Nguyên cũng như tỉnh ta. Tại phiên giao dịch ngày 27-1-2010 trên thị trường Luân Đôn, giá cà phê chỉ leo đến mốc cao nhất là 1.364 USD/ tấn và giá thấp nhất là 1.342 USD/tấn. Đây là giá chưa khấu trừ phí xuất khẩu. Và chiếu theo giá này, giá cà phê nội địa hiện vẫn ở mức cao hơn so với giá thế giới. Hiện giá cà phê nội địa dao động từ 23,8 ngàn đồng/kg nhân xô đến 24 ngàn đồng/kg tùy chất lượng cà phê, điều kiện giao hàng. Hy vọng với tình hình sụt giảm sản lượng tại một số nước có sản lượng cà phê lớn, giá cà phê trên thị trường thế giới sẽ tăng hơn so với giá nội địa trong thời gian gần, tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

Dù khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn chưa qua nhưng đã có nhiều tín hiệu lạc quan. Theo những con số mới đưa ra, Trung Quốc- một trong những thị trường xuất khẩu khá lớn của nước ta nói chung và của nông sản tỉnh ta nói riêng đã có mức tăng trưởng kinh tế khá mạnh. Theo đó, việc cần nguồn nguyên liệu để phục vụ cho quá trình phát triển của Trung Quốc tất yếu vẫn diễn biến theo hướng có lợi cho các mặt hàng nông sản của tỉnh ta.

Từ nhiều năm nay, hai mặt hàng cao su, tinh bột sắn của tỉnh ta chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, còn một loại nông sản dù chưa đóng góp nhiều vào ngành hàng xuất khẩu của tỉnh nhưng đã giúp hàng trăm nông dân có cơ hội đổi đời, đó là dưa hấu. Loại nông sản này mỗi năm vẫn “vượt biên giới” phía Bắc sang Trung Quốc. Dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng số tiền thu được mỗi năm cũng không dưới 3, 4 triệu USD. Nếu có một chiến lược bài bản, dưa hấu có thể là nông sản mạnh của tỉnh ta khi tiến ra các thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. 

Ngoài thị trường Trung Quốc, hàng nông sản của tỉnh ta như hồ tiêu, hạt điều còn được xuất đến các thị trường châu Âu, châu Mỹ… Hiện hồ tiêu Chư Sê đã dần định hình trên thị trường trong và ngoài nước khi đã xây dựng được thương hiệu. Với diện tích trên 3.000 ha, sản lượng bình quân 5-7 tấn/ha/vụ, tỉnh ta trở thành “thủ phủ” hồ tiêu của vùng Tây Nguyên... Nhưng bên cạnh thuận lợi cũng có những thách thức cần giải quyết như: Hồ tiêu chất lượng còn thấp nên giá chưa cao, chưa xây dựng được một quy trình sản xuất tiêu sạch đại trà; hay chuyện thiếu nguyên liệu cho những nhà máy chế biến hạt điều.

Việc áp dụng kiến thức mới về khoa học kỹ thuật, gắn kết nhà nông với nhà sản xuất… trong quá trình sản xuất các mặt hàng nông sản ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, mặt hàng này của tỉnh ta vẫn còn bị lép vế so với các mặt hàng cùng loại của một số nước. Vấn đề này đã được đặt ra từ lâu nay nhưng vẫn còn quá chậm trong khâu giải quyết. Đây là một sự lãng phí cần được giải quyết bằng một chiến lược rõ ràng.

Hạnh Nguyên


Có thể bạn quan tâm