Kinh tế

Giá cả thị trường

Xuất khẩu tăng đột biến, nhiều mặt hàng của Việt Nam bị điều tra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong vài năm trở lại đây, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như sắt thép, xe đạp điện, pin năng lượng mặt trời, gỗ ván ép… có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến 20 - 50%. Điều này khiến các đối tác nhập khẩu điều tra nhiều mặt hàng của Việt Nam về hành vi lẩn tránh thuế.
Hàng xuất khẩu Việt Nam đang bị đối tác quốc tế nghi ngờ
Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2000-2016, có 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, trung bình 1 vụ/năm.
Giai đoạn từ 2017 đến 2018, mỗi năm đã có 2 vụ việc được điều tra và 1 vụ việc đang trong giai đoạn thụ lí đơn kiện. 
Theo các chuyên gia đánh giá, việc các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu bị điều tra sẽ tiếp tục gia tăng do có những dấu hiệu về dịch chuyển đầu tư cũng như phạm vi, số lượng sản phẩm bị áp dụng các biện pháp ngày càng rộng. 
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc điều tra liên quan đến hành vi chuyển tải bất hợp pháp nhằm gian lận xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.
 
Mặt hàng gỗ dán của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị xử lý gian lận xuất xứ.
Nguyên nhân là do nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như sắt thép, xe đạp điện, pin năng lượng mặt trời, gỗ ván ép… có kim ngạch xuất khẩu gia tăng đột biến từ 20 đến 50%.
Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã đưa ra cảnh báo 13 mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, EU và Canada có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế.
Trong danh sách cập nhật đến tháng 7/2019, các sản phẩm đứng đầu nhóm cảnh báo gồm gỗ dán dùng nguyên liệu làm gỗ cứng, đá nhân tạo, đồ bằng sắt, nệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải/xe khách, thép chống ăn mòn, vành thép không gỉ, thép tấm cán nóng, sản phẩm đúc bằng gang, xơ sợi tổng hợp, ruy băng trang trí...
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phân loại theo bốn mức độ cảnh báo, trong đó, các sản phẩm ở mức 4 và 3 là nhóm mặt hàng cần tiến hành theo dõi, kiểm tra chặt chẽ. Nhóm sản phẩm ở mức cảnh báo 2 và mức 1 là nhóm cần quan tâm và tiếp tục theo dõi. Ở mức cảnh báo 4 cao nhất, mặt hàng gỗ dán đang đứng trước nguy cơ bị xử lý gian lận xuất xứ.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, thủ đoạn giả mạo xuất xứ thường được các doanh nghiệp sử dụng là thực hiện chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp đối với các mặt hàng như dệt may, thuỷ sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm, gỗ ép... Sau đó, thay bao bì hoặc bỏ bao bì, ghi “Made in Việt Nam”, xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
Ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, các hành vi gian lận thương mại chỉ đem lại ích lợi nhỏ, nhất thời cho một số doanh nghiệp nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng xuất khẩu Việt Nam.
“Những hành vi như vậy nếu diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam có thể chỉ mang lại lợi ích nhất thời cho một bộ phận rất nhỏ doanh nghiệp nhưng sẽ ảnh hưởng đến đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của hàng xuất khẩu Việt Nam nếu bị phát hiện, điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.” Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.
Không để thương hiệu “Made in VietNam” bị lợi dụng
Bà Phạm Hương Giang, Trưởng phòng điều tra thiệt hại và tự vệ, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, đến nay, Việt Nam mới chỉ khởi xướng một vụ điều tra chống lẩn tránh thuế tự vệ đối với hàng nhập khẩu là thép dây cán nguội. 
Tuy nhiên, trên thị trường quốc tế, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu bị điều tra chống lẩn tránh khá nhiều với 20 vụ, 17 mặt hàng ở các thị trường như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Thổ Nhĩ Kì và Brazil. Trong đó,  có 11 vụ đang bị áp thuế, 2 vụ đang điều tra.
Cũng theo thông tin từ bà Phạm Hương Giang, hiện nay, các doanh nhiệp sử dụng những phương thức lẩn tránh phức tạp hơn như tránh thuế từ thượng nguồn sản phẩm, xuất khẩu linh kiện lắp ráp sang các nước không bị áp thuế phòng vệ thương mại khiến việc phát hiện lẩn tránh phòng vệ thương mại đang ngày càng khó khăn.
 
Các hành vi gian lận xuất xứ ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Ngoài ra, các công ty đã bị vi phạm sẽ chống lẩn tránh bằng việc cho ra đời các sản phẩm theo series, vòng đời ngắn, làm giảm thời hạn điều tra áp thuế, thậm chí còn có công ty thay đổi hình dạng của sản phẩm…
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương thông tin thêm, trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới có nhiều biến động, nguy cơ chuyển tải hàng hóa từ nước bị áp thuế phong vệ thương mại qua Việt Nam xuất khẩu vào nước áp thuế là rất lớn.
Do đó, Cục Xuất nhập khẩu cần tăng cường kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, đồng thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian tới, khi diễn biến thương chiến Mỹ và Trung Quốc leo thang, nhiều ngành hàng của Trung Quốc sẽ chịu thuế đến 30% nên chênh lệch với hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam càng lớn. Do vậy, nguy cơ chuyển tải hàng hoá bất hợp pháp, gian lận xuất xứ sẽ gia tăng mạnh.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần siết chặt các quy chuẩn, quy định cụ thể cho định nghĩa hàng hóa “Made in VietNam”. Bên cạnh đó, đây cũng là việc cấp thiết để tránh tình trạng doanh nghiệp trong nước lạm dụng kẽ hở, ghi nhãn sản phẩm của Việt Nam sai quy định nhằm trục lợi từ niềm tin của người tiêu dùng.
Thanh Phong (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm