Kinh tế

Xúc tiến đầu tư cấp quốc gia tại Gia Lai: Mở ra nhiều triển vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế tỉnh nhà mới khởi sắc, Hội nghị xúc tiến đầu tư cấp quốc gia tại Gia Lai vào cuối tháng 11-2016 là cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế chính sách thông thoáng của tỉnh đến với doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Danh mục dự án kêu gọi đầu tư tại Gia Lai giai đoạn 2016-2018 gồm 53 dự án, với 49 dự án 100% vốn của nhà đầu tư và 4 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư Public-Private-Partner (gọi tắt là PPP, là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công). Trong 49 dự án kêu gọi 100% vốn của nhà đầu tư có 16 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; 8 dự án về công nghiệp chế biến nông-lâm sản; 8 dự án công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng; 3 dự án về công nghiệp năng lượng; 7 dự án về giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch...

 

Ký kết đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên năm 2015. Ảnh: H.D
Ký kết đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên năm 2015. Ảnh: H.D

Đặc biệt, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, nhiều dự án có mức đầu tư lớn và hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế, an sinh xã hội lớn sẽ được trao quyết định chủ trương đầu tư cho các chủ đầu tư như: dự án nâng công suất Nhà máy Đường An Khê và dự án Nhà máy Điện sinh khối An Khê (Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi là chủ đầu tư); Hoàng Nhi Plaza (chủ đầu tư là Công ty cổ phần Vật liệu Xây lắp Gia Lai); dự án sân golf Đak Đoa và biệt thự, nhà ở (do Công ty cổ phần Hội Phú làm chủ đầu tư); dự án trồng tiêu kết hợp chăn nuôi (Công ty cổ phần Trường Thịnh làm chủ đầu tư); dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thái Sơn Bộ Quốc phòng đầu tư)...
 

Trong số các dự án kêu gọi đầu tư, có nhiều dự án rất lớn, cần nhiều vốn như: Nhà máy Nước ép hoa quả (Khu Công nghiệp Nam Gia Lai) với tổng vốn dự kiến 2.200 tỷ đồng; dự án Nhà máy Điện sinh khối (xã Thành An, thị xã An Khê) công suất 95 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.900 tỷ đồng; dự án điện năng lượng mặt trời (huyện Krông Pa) công suất 49 MW, tổng vốn dự kiến khoảng 1.670 tỷ đồng; đường Nguyễn Văn Linh (TP. Pleiku) tổng vốn dự kiến 1.200-1.500 tỷ đồng tính cả đền bù; dự án Trung tâm Thương mại (TP. Pleiku) với tổng vốn đầu tư dự kiến 800 tỷ đồng và nhiều dự án khác có mức đầu tư từ 100 tỷ đồng đến 600 tỷ đồng.

Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Hội nghị lần này thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong việc phát huy nội lực trên cơ sở khai thác tiềm năng của cộng đồng doanh nghiệp”. Để đạt được mục tiêu đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm: Thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư thông thoáng, nhanh gọn, xử lý và tháo gỡ các trường hợp khó khăn, vướng mắc, nhũng nhiễu nhằm tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi nhất. Rà soát, bổ sung các danh mục kêu gọi đầu tư một cách cụ thể thiết thực, trong đó từng danh mục phải công khai, minh bạch tất cả các tiêu chí để nhà đầu tư đến tìm hiểu và lựa chọn. Định kỳ hàng quý các sở, ngành của tỉnh tổ chức đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang triển khai các dự án.

Rõ ràng, Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là cơ hội để tỉnh giới thiệu đến các cấp, các ngành Trung ương, địa phương, doanh nhân trong và ngoài nước sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, sự cởi mở, đối thoại, hợp tác kinh doanh và đầu tư.  

Cùng với các hoạt động bên lề như Đêm Gala với chủ đề “Du lịch Gia Lai-Tiềm năng và khát vọng” và “Tham quan du lịch”; Hội thảo kết nối doanh nghiệp... Hội nghị xúc tiến đầu tư cấp quốc gia tại Gia Lai năm 2016 thực sự mở ra nhiều kỳ vọng cho một “làn sóng” đầu tư mạnh mẽ vào tỉnh trong tương lai gần.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm