(GLO)- Đó là kỳ vọng của cử tri cả tỉnh nói chung và huyện Kbang nói riêng vào những ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ được bầu vào ngày 22-5 sắp đến.
Kbang là một trong những huyện còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh Gia Lai; hạ tầng cơ sở chưa đảm bảo; đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều thiếu thốn. Chính vì thế, vẫn còn khá nhiều những bất cập, vướng mắc mà cử tri nơi đây mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía các cấp, ngành ở Trung ương lẫn địa phương.
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri huyện Kbang. Ảnh: Hồng Thi |
Phấn khởi, tin tưởng
Nhiệm kỳ qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIII, nhất là những người ứng cử ở địa bàn huyện Kbang cùng các vị đại biểu HĐND các cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, trước nhân dân; luôn bám sát và lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và làm tốt vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Thông qua những đợt tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đã lắng nghe, tiếp thu và ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân; đồng thời yêu cầu các ngành liên quan, chính quyền địa phương trả lời cử tri tại chỗ. Riêng đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền, các đại biểu đã tổng hợp và chuyển đến cơ quan chức năng để nhanh chóng phản hồi lại với dân. Theo đánh giá của cử tri, những kiến nghị, phản ánh mà họ đưa ra tại các buổi tiếp xúc cơ bản đã được giải quyết thoả đáng, kịp thời, nhất là các vấn đề liên quan đến: chế độ cho vùng đồng bào dân tộc; những tồn tại, vướng mắc ở địa phương; hậu Thuỷ điện An Khê-Ka Nak… Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội khoá XIII và HĐND các cấp đã có nhiều tác động góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện ngày càng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Từ đó, niềm tin của cử tri vào những người được bản thân lựa chọn ngày càng được củng cố.
Chủ tịch UBND thị trấn Kbang Nguyễn Đăng Chung cho biết: Qua phản ánh của cử tri, các vị đại biểu Quốc hội đã có sự ghi nhận và thể hiện tốt vai trò của mình. Minh chứng thứ nhất là việc Chính phủ ban hành Quyết định 447 đưa 6 làng của thị trấn Kbang thành làng đặc biệt khó khăn. Hạ tầng về giao thông, điện nước và các lĩnh vực khác, theo đó, đã được quan tâm đầu tư. Nhờ vậy, từ năm 2014 đến nay, bộ mặt của các làng đã có nhiều thay đổi rõ nét, thu nhập của bà con cũng ngày càng cao hơn. Thứ hai, liên quan đến việc tái định canh sau thuỷ điện An Khê-Ka Nak, thị trấn Kbang có làng Groi nằm toàn bộ trong vùng ngập của lòng hồ. Sau một thời gian dài kiến nghị, đến cuối năm 2013, gần 100 hộ dân của làng này đã được bố trí đất tái định canh và đến nay đời sống của bà con đã từng bước ổn định, phát triển.
“Ý kiến của chúng tôi trong những lần tiếp xúc cử tri đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm chuyển đến các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời cho bà con. Cụ thể là các chế độ chính sách; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; nước sạch, vệ sinh môi trường; hỗ trợ nhà ở cho các hộ đặc biệt khó khăn; hỗ trợ thiệt hại do Thuỷ điện An Khê-Ka Nak xả lũ… Chúng tôi rất vui mừng”- ông Đinh Blăng-Trưởng làng Tờ Mật (xã Đông) phấn khởi nói.
Cử tri bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng vào những “đại biểu dân cử”. Ảnh: Hồng Thi |
… và những kỳ vọng
Hiện tại, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2016-2021) chỉ còn tính từng ngày. Cử tri cả nước nói chung và huyện Kbang nói riêng đang hướng về ngày hội lớn với nhiều niềm tin và kỳ vọng, rằng các “đại biểu dân cử” mới sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, toàn tâm, toàn ý phục vụ cho đất nước, cho nhân dân.
Ông Nguyễn Quang Chóng-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đak Hlơ, bày tỏ: “Tôi hy vọng những vị trúng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND sau ngày bầu cử 22-5 tới, trong nhiệm kỳ mới sẽ thực hiện đúng chương trình hành động của mình, làm hết sức vì nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, vì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc”.
Còn ông Nguyễn Đăng Chung thì mong muốn, trong nhiệm kỳ của mình, các vị đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ứng cử tại địa bàn thường xuyên quan tâm hơn nữa đến đời sống nhân dân. “Ngoài tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp, các đại biểu hoạt động chuyên trách hãy thường xuyên gần gũi cử tri, gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri qua nhiều kênh khác nhau… để kịp thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của cử tri đến với diễn đàn Quốc hội sao cho người dân thấy rằng, các cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp thật sự là cơ quan đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của họ”- ông Chung chia sẻ.
Hồng Thi