Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Xứng danh bộ đội Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi lên đường làm nhiệm vụ, họ là những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Giờ đây, trở về với cuộc sống đời thường, những chiến sĩ ấy lại tìm đến nhau để cùng ôn lại truyền thống năm xưa, chia sẻ những vui buồn, khó khăn trong cuộc sống thường nhật.

Năm 1959, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đoàn 559 với nhiệm vụ tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự để chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ đó, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng, kiên cường vượt qua bao khó khăn, gian khổ để chiến đấu, mở tuyến đường, tháo gỡ bom mìn, vận chuyển hàng, vũ khí, xăng dầu, bảo đảm cho các chiến sĩ hành quân vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc một cách thuận lợi.

 

Ban Liên lạc Hội truyền thống Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh tặng quà hội viên. Ảnh: V.H

Chiến tranh đi qua, những người lính trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa mỗi người chọn một miền quê để sống, một công việc để làm. Dù ở đâu, làm gì thì họ vẫn luôn giữ gìn phẩm chất cao đẹp của chiến sĩ Trường Sơn. Rất nhiều người tham gia chiến đấu trên con đường huyền thoại ấy đã chọn Gia Lai làm quê hương thứ 2 để tiếp tục cống hiến sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ năm 1986, Ban Liên lạc Hội truyền thống Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh tỉnh Gia Lai đã đi vào hoạt động. Đến nay, Hội có gần 600 hội viên tham gia. Mỗi lần gặp nhau, họ lại vỡ òa bao cảm xúc, cùng ôn lại những ngày gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất đỗi tự hào. Bên cạnh đó, họ còn động viên, thăm hỏi, chia sẻ khi gặp khó khăn và động viên con cháu chăm lo học tập, lao động, sản xuất, xứng đáng với truyền thống cha anh. Hiện Ban Liên lạc có 290 đảng viên, 167 hội viên tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể; 4 hội viên là chủ doanh nghiệp, 14 người là hội viên làm kinh tế giỏi.

Chiến tranh đã đi qua, vì nhiều lý do khác nhau, một số hội viên vẫn còn khó khăn về nhà ở. Hội viên Đinh Văn Đường (xã Ia Din, huyện Đức Cơ) là một ví dụ. Hiểu được khó khăn của đồng đội, đầu năm 2017, Ban Liên lạc đã hỗ trợ 70 triệu đồng góp vào với số tiền của gia đình để là m căn nhà mới có diện tích sử dụng trên 70 m2. “Tôi rất biết ơn các đồng chí, đồng đội cùng công tác, chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa đã giúp đỡ để tôi hoàn thành căn nhà này. Trong chiến tranh gian khổ, ác liệt, chúng tôi đã cùng nhau sát cánh để giữ vững mạch máu giao thông, bảo vệ các phương tiện, trang bị, dù bản thân mình có hy sinh, mất mát. Ngày nay đồng đội lại ở bên tôi, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn nên tôi rất cảm động”-hội viên Đinh Văn Đường tâm sự.

Những năm qua, Ban Liên lạc Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh đã kêu gọi sự hỗ trợ của Trung ương Hội, các nhà hảo tâm và chính quyền địa phương xây dựng 30 căn nhà tặng các hội viên khó khăn về nhà ở với số tiền 895 triệu đồng. Ngoài ra, bằng tấm lòng vì đồng đội, họ đã tự nguyện đóng góp và xây dựng thêm 3 căn nhà tặng các chiến sĩ Trường Sơn năm xưa ở huyện Chư Sê. Để giúp các hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cũng như kịp thời chia sẻ những khó khăn, thăm hỏi động viên nhau, Ban Liên  lạc đã xây dựng được nguồn quỹ trên 600 triệu đồng. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, họ lại đến thăm hỏi, động viên những hội viên bị đau ốm, có hoàn cảnh khó khăn, giúp nhau vượt qua hoạn nạn. Đối với những hội viên neo đơn không may bị đau ốm, Ban Liên lạc đều cử người đến chăm sóc.

Cuộc sống hôm nay dẫu còn những bộn bề, lo toan nhưng những chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn phát huy những phẩm chất cao đẹp của mình, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội, nêu gương sáng để con cháu học tập.  

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm