Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Xung lực mới cho thị trường bất động sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Một số cơ chế chính sách mới có tính đồng bộ, liên thông, tháo gỡ được những vướng mắc khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua đang có tác động tích cực tới thị trường bất động sản.
 


Sau thời gian khựng lại do dịch bệnh, do vướng thủ tục, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản đã tái khởi động. Ngoài ra, với nhiều người dân, đầu tư vào bất động sản vẫn là lựa chọn tốt. Tổng hợp các yếu tố này, nhiều chuyên gia, DN dự báo khá tươi sáng về thị trường bất động sản trong năm mới.  

 

Cao ốc mới bên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức. Ảnh: CAO THĂNG
Cao ốc mới bên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức. Ảnh: CAO THĂNG


Vướng mắc được tháo gỡ

Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cho rằng, năm 2021 là năm đầu nhiệm kỳ, cũng là năm đầu của kế hoạch 2021-2025, chắc chắn sẽ có xung lực rất mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có thị trường bất động sản. Một số cơ chế chính sách mới có tính đồng bộ, tính liên thông vừa có hiệu lực cũng tác động mạnh mẽ tới thị trường bất động sản.

Cụ thể, Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật trong năm 2020, trong đó, Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 đã tháo gỡ được các vướng mắc thời gian qua như khái niệm “nhà đầu tư - chủ đầu tư”, “100% đất ở hợp pháp”…

Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 148/2020 có hiệu lực từ ngày 8-2-2021 về “Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai”, trong đó đã quy định nhiều cơ chế nhằm tháo gỡ các vướng mắc cần xử lý về “thửa đất công nằm xen kẽ trong dự án đầu tư, dự án nhà ở” hoặc cho phép nhà đầu tư nhận chuyển nhượng tài sản tư nhân trên đất thuê của Nhà nước thì được tiếp tục thuê đất theo thời hạn của dự án đầu tư.

Riêng tại TPHCM, nhiều chuyên gia nhận định, có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhanh, mạnh mẽ trong năm 2021, cả trung và dài hạn, với những động lực mới như thành lập TP Thủ Đức là đô thị sáng tạo có tính tương tác cao, quy mô kinh tế 7-8% GDP cả nước, chiếm đến 1/3 GRDP của TPHCM. Một số công trình giao thông dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2021 như tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên… sẽ là thuận lợi cho thị trường bất động sản phát triển. Đề án chuyển đổi 4/5 huyện thành quận trong 10 năm tới và Chính phủ đã quyết định cho TPHCM được chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020 cũng sẽ là các tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản phát triển.

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Đa dạng nguồn vốn đầu tư


Chu kỳ phát triển của thị trường bất động sản hiện nay đã lâu dài và ổn định hơn, hiện tượng “phát triển nóng” chỉ xảy ra thời gian ngắn, đã được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm soát có hiệu quả. Hiện nay, ước tính cả nước đã và đang triển khai thực hiện khoảng 5.000 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 4,5 triệu tỷ đồng (tăng gần 3 lần so với năm 2009). Theo thống kê, bình quân dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản 5 năm gần đây khoảng 7,3% (trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế). Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản giảm dần 5 năm trở lại đây. Nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển bất động sản hiện nay không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn tự có của chủ đầu tư dự án mà đã được mở rộng qua nhiều hình thức.

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Giá cả hàng hóa bất động sản, đặc biệt là giá nhà ở vẫn ở mức cao và xu hướng tăng, nhất là tại các đô thị lớn; cơ cấu một số sản phẩm bất động sản (trong đó có nhà ở) mất cân đối, thiếu hàng hóa quy mô vừa và nhỏ, giá cả phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội; có dấu hiệu thừa nguồn cung nhà ở cao cấp. Việc huy động nguồn lực để triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động tại các KCN còn hạn chế. Tình trạng đầu tư tràn lan, tự phát hay các dự án chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng còn phổ biến, hàng tồn kho nhiều gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội.


Doanh nghiệp tự tin

Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh kiêm Tổng giám đốc PropertX) cho biết, sau kỳ nghỉ tết, sẽ tiếp tục đưa hàng loạt dự án mới ra thị trường tại một số địa phương như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Nha Trang, TP Quy Nhơn… Theo ông Hiền, đại hội Đảng các cấp thành công tốt đẹp, DN phấn khởi với những kế hoạch kinh doanh mới. Dù tình hình Covid-19 còn phức tạp, nhưng so với trước, người dân, DN đã chuẩn bị về tâm lý tốt hơn nên có sự chủ động trong kế hoạch kinh doanh. Năm 2021, Hưng Thịnh Land dự kiến sẽ có mức tăng trưởng khá cao so với năm 2020.

Ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc DRH Holding, cho biết, ngoài các dự án đang triển khai tại TPHCM, DRH Holding đang tìm kiếm quỹ đất để phát triển dự án mới ở một số địa phương, đặc biệt là các địa phương có tiềm năng về du lịch, dịch vụ, công nghiệp. Theo ông Sơn, trong tình hình hiện nay, tốt nhất là chủ động và tái cấu trúc để vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

Bà Đinh Ngọc Châu Hương, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP HDTC Land cho biết, DN mạnh dạn đưa hàng loạt dự án mới ra thị trường như: dự án Thiên đường Xanh, quy mô 112ha với 1,7km bờ biển tại TP Quy Nhơn, Bình Định; khu căn hộ cao cấp tại phường Tăng Nhơn Phú, quận 9, TPHCM; khu nghỉ dưỡng tại Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế; dự án kinh doanh bất động sản công nghiệp tại KCN Bá Thiện - phân khu I, Vĩnh Phúc… “Chất lượng sản phẩm, nhu cầu của thị trường và uy tín chủ đầu tư là những yếu tố quyết định sự tồn tại của DN bất động sản giai đoạn hiện nay”- Bà Hương chia sẻ.

Nhận định về phân khúc đầu tư, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho rằng, thực tế đã chứng minh tại các thời kỳ thấp điểm của thị trường, sản phẩm bất động sản thuần túy mang tính đầu tư bị ảnh hưởng mạnh nhất vì chưa phải là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, các sản phẩm bất động sản phục vụ nhu cầu ở vẫn nhận được sự quan tâm nhất định của khách hàng. Bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch, bất động sản thương mại phụ thuộc nhiều vào ngoại cảnh và sức cầu thị trường.

Thị trường càng khó khăn càng có sự sàng lọc mạnh. Khủng hoảng càng kéo dài, nguy cơ giảm giá và cắt lỗ càng cao ở một số sản phẩm đầu tư. Các chủ đầu tư có thương hiệu, uy tín và năng lực đã được kiểm chứng, các dự án đầy đủ pháp lý, được quy hoạch, đầu tư bài bản... vẫn được sự quan tâm, lựa chọn của khách hàng. Không nên đầu tư theo phong trào mà cần đánh giá cẩn trọng khả năng tài chính của bản thân và gia đình, lựa chọn sản phẩm an toàn cao, thanh khoản tốt để dự phòng tình huống xấu nhất.


 


Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình: Ưu tiên nhà cho người thu nhập thấp

TPHCM có quy mô thị trường bất động sản lớn nhất cả nước, thể hiện qua các chỉ tiêu về số lượng nhà ở, diện tích văn phòng và mặt bằng bán lẻ cho thuê cũng như số lượng phòng lưu trú. Với dân số lớn và vị thế trung tâm kinh tế của cả nước, nhu cầu các sản phẩm bất động sản tại đây rất lớn và đa dạng. Thực tế cho thấy, việc vận hành và biến động thị trường bất động sản tại TPHCM có ảnh hưởng lớn tới thị trường bất động sản cả nước. Thị trường bất động sản thành phố phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đồng bộ trong mối liên kết vùng giữa TP với các địa phương lân cận… Thời gian tới, TPHCM sẽ đa dạng hóa loại hình nhà ở, ưu tiên hàng đầu là đáp ứng nhu cầu cho người có thu nhập thấp.

Theo ĐỖ TRÀ GIANG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm