Bạn đọc

Xung quanh bức tâm thư cải cách sư phạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối tháng 9-2017 vừa qua, một số nhà giáo lão thành tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đã có tâm thư gửi Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực, đồng kính gửi Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo về nội dung, giải pháp cải cách ngành Sư phạm cả nước, “chiếc máy cái” quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Trong câu chuyện giáo dục trước đây, chúng tôi cũng đã đề cập đến nội dung cải cách sư phạm này nhưng chưa đi vào cụ thể về thực trạng và giải pháp như bức tâm thư này thể hiện. Một trong những vấn đề nổi lên khá nhức nhối, đó là đào tạo không đi đôi với việc sử dụng, gây ra tình trạng lãng phí về nhân lực và nguồn lực trong xã hội. Hàng vạn sinh viên sư phạm ra trường bị thất nghiệp hoặc chuyển sang những nghề nghiệp khác một cách bất đắc dĩ, khá phổ biến ở nhiều địa phương.

 

Ảnh minh họa

Thậm chí, có sinh viên tốt nghiệp thủ khoa sư phạm nhưng không thể hành nghề, đành phải về quê chăn nuôi để kiếm sống. Sự bất cập này có một nguyên nhân sâu xa là ngành Giáo dục và Đào tạo không quản lý được các trường sư phạm địa phương và các khoa sư phạm trong các trường đại học vùng miền. Để tồn tại, các đơn vị đào tạo sư phạm này hàng năm đều xin chỉ tiêu vô tội vạ, không theo quy hoạch, kế hoạch nào và lấy điểm đầu vào sát đáy, miễn sao có sinh viên theo học. Một số trường đại học, khi tuyển sinh đào tạo ở các môn tổng hợp hoặc chuyên ngành, như: Ngữ văn, Toán, Vật lý… hay Hội họa, Âm nhạc, Thể thao, sau khi tốt nghiệp, nhà trường cho sinh viên theo học thêm khóa sư phạm để có chứng chỉ đủ điều kiện xin tuyển dụng làm giáo viên.

Từ đó, lượng sinh viên ra trường không có việc làm tăng chóng mặt trong những năm gần đây. Đó là chưa nói đến chất lượng đào tạo ở các trường, khoa sư phạm này khá lạc hậu từ giáo trình đến phương pháp, khiến sinh viên ra trường không bắt nhịp được với thực tế giảng dạy ở bậc phổ thông. Ở các nước tiên tiến, việc đào tạo, tuyển dụng giáo viên các cấp theo một quy trình khá nghiêm ngặt, qua nhiều vòng thi cử, sát hạch khách quan, khi đủ các điều kiện về bằng cấp và kinh qua thực tế thực tập sư phạm, họ mới được cấp chứng chỉ hành nghề chính thức. Và “sản phẩm” người thầy ở các quốc gia này ít bị lỗi, được xã hội tôn trọng; thu nhập của họ khá cao so với hệ thống viên chức nhà nước và các ngành nghề khác.

Một trong những giải pháp mà các nhà giáo lão thành đề nghị cần chấn chỉnh là sắp xếp lại các trường sư phạm, khoa sư phạm trong cả nước. Có lộ trình để giải thể các trường trung học-cao đẳng sư phạm địa phương, chỉ duy trì, nâng cấp các trường đại học sư phạm vùng miền có truyền thống, như : Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội, ĐHSP TP. Hồ Chí Minh, ĐHSP Huế, ĐHSP Đà Nẵng… Hàng năm, Nhà nước giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên các cấp ở trình độ cử nhân 4 năm, riêng giáo viên Mầm non có thể đào tạo 3 năm bậc cao đẳng sư phạm. Sinh viên tốt nghiệp sư phạm đều được cấp chứng chỉ hành nghề và được quyền xin đi dạy ở bất kỳ cơ sở giáo dục nào trên cả nước mà không cần qua các hình thức thi tuyển nào. Nhà nước và các tổ chức xã hội nên có học bổng cho sinh viên sư phạm và các ưu tiên khác nhằm thu hút nhiều học sinh khá, giỏi vào trường sư phạm.

Muốn cải cách giáo dục trước hết phải cải cách ngành Sư phạm. Và chính người thầy là trung tâm của các cuộc cải cách giáo dục. Chỉ khi nào những “chiếc máy cái” này cho ra lò các “sản phẩm” chuẩn thì người thầy giáo lúc bấy giờ mới đủ tri thức và phẩm chất thực hiện các đề án thiết kế mà xã hội yêu cầu đối với công cuộc trồng người trong tương lai.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm