(GLO)- Sau 20 năm ca hát, lần đầu tiên ca sĩ, nhạc sĩ Y Jang Tuyn mới hát trên quê hương Kbang trong ngày hội du lịch của huyện vừa được tổ chức mới đây.
Anh chia sẻ: “Được hát trên vùng đất nguồn cội, tôi thực sự hạnh phúc và xúc động. Nhưng vì điều kiện thời gian không cho phép, tôi chỉ hát trong đêm bế mạc 2 sáng tác “Tình ca Tây Nguyên” của nhạc sĩ Hoàng Vân và “Này em, Bôrôtôk Bre mai” của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Đó là 2 ca khúc có nét gần gũi với âm nhạc của người Bahnar”.
Ca sĩ, nhạc sĩ Y Jang Tuyn (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Y Jang Tuyn sinh năm 1979, quê mẹ là nơi có dòng sông Đak Bla (tỉnh Kon Tum) chảy ngược, quê cha Kbang là nơi dòng sông Ba chảy qua chở theo bao huyền sử về cao nguyên đại ngàn. Sinh ra và lớn lên ở Phố núi Pleiku, nhưng mỗi kỳ nghỉ hè, Y Jang Tuyn đều được cha mẹ cho về làng. Để rồi, tâm hồn anh được dưỡng nuôi từ suối nguồn cao nguyên, nơi mà “mỗi gốc cây cổ thụ là một truyền thuyết, mỗi thác nước mang trong dòng chảy của nó một chuyện tình, mỗi bến nước là một trang sử thi, mỗi ngọn núi là một chiến tích, mỗi con voi già là một huyền thoại, mỗi tảng đá phủ rêu phảng phất bóng dáng một vị thần” (Ngày có 4 mùa-Nguyên Hương). Cao nguyên của Y Jang Tuyn là vậy đó nên khi hát về vùng đất mơ tưởng này, anh như một người kể chuyện bằng âm nhạc. Anh dẫn dắt con người vào những chuyện tình, những huyền thoại, những chiến tích lừng lẫy… bằng chất giọng nam trung trầm ấm. Để rồi, người nghe cứ thế “bay lên, bay lên bồng bềnh” trong giấc mơ đẹp đẽ, yên tĩnh và cả dữ dội.
Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật có cha là một nghệ sĩ đa năng, Y Jang Tuyn sớm làm quen với âm nhạc dân gian Tây Nguyên từ nhỏ. Anh yêu âm nhạc dân tộc và đón nhận với tất cả sự hồn nhiên. Cùng với năng khiếu và sự khổ luyện, tiếng hát anh như có men của những ché rượu dưới đêm trăng mùa lễ hội. Y Jang Tuyn là thế hệ trẻ người Tây Nguyên có ý thức học hỏi, rèn luyện, trang bị cho mình nền móng tri thức vững chắc. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội (2001), sau đó anh tiếp tục tốt nghiệp Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh (2005). Với tố chất nghệ sĩ và nền móng kiến thức vững vàng, anh đã khẳng định được sự khác biệt so với thế hệ nghệ sĩ cùng thời. Là nghệ sĩ đa năng, ngoài những ca khúc Tây Nguyên, anh còn thể hiện được nhiều thể loại, phong cách: Lúc mênh mang núi rừng Tây Bắc, đậm đà âm nhạc đồng bằng Bắc bộ, khi lại trữ tình xứ Huế mộng mơ hay ngọt ngào âm hưởng miền Tây Nam bộ... Đó là sự tìm tòi học hỏi để mong muốn đem đến nhiều xúc cảm mới lạ cho khán giả. Trong liveshow 20 năm ca hát tổ chức năm 2017 tại TP. Hồ Chí Minh, anh còn khiến khán giả bất ngờ khi đóng tiểu phẩm, hát tân cổ giao duyên. Tuy vậy, với Y Jang Tuyn, cao nguyên vẫn giữ trọn trái tim, tâm hồn mình. Dù thành công ở nhiều dòng nhạc, anh vẫn luôn dành một góc không nhỏ cho âm nhạc Tây Nguyên với tình yêu, cảm xúc mãnh liệt.
Không chỉ là ca sĩ, ở lĩnh vực sáng tác, anh cũng khá thành công với nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Y Jang Tuyn viết rất nhiều đề tài khác nhau nhưng đề tài cao nguyên vẫn chiếm ưu thế trong gia tài âm nhạc của mình. Anh không nhớ đã có bao nhiêu sáng tác về vùng đất huyền ảo, lấp lánh những trang sử thi, những câu chuyện tình đẹp này, bởi: “Tôi không muốn kể ra một con số cụ thể. Tôi muốn con số ấy không định lượng được, giống như tình cảm mà tôi dành cho nơi này”. Anh có lẽ cũng là ca sĩ Tây Nguyên thực hiện nhiều sản phẩm âm nhạc nhất tính tới nay. Kể từ album đầu tiên là “Nẻo quê”, sau đó tới “Khát”, rồi đến “Nỗi nhớ cao nguyên”, “Chúng tôi lính hải quân”, “Bâng khuâng Trường Sa”, “Những bức tranh quê hương”, “Một tuần bảy ngày”. Chưa hết, còn minishow “Khát rừng”, “Nỗi nhớ cao nguyên”, đặc biệt là liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát…
Công việc chính hiện nay của Y Jang Tuyn là biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh (VOH), MC, đạo diễn cho các chương trình phát thanh trực tiếp của VOH như: Niềm tin sáng mãi, Giai điệu trẻ, Tiếng hát nông thôn mới… Công việc bận rộn tại VOH nhưng Y Jang Tuyn vẫn luôn dành tình yêu lớn cho âm nhạc. Anh vẫn miệt mài sáng tác, miệt mài đến những vùng đất trên cao nguyên nắng gió, góp nhặt cảm xúc để dâng hiến nhiều tác phẩm ý nghĩa bằng tình yêu quê hương chân thành. “Bạn hỏi tôi sống và làm việc giữa một thành phố sôi động nhất nước với nhịp sống gấp gáp, vội vã có làm phai nhạt “chất cao nguyên” trong tâm hồn? Hoàn toàn ngược lại. Tôi cảm ơn TP. Hồ Chí Minh đã giúp tôi ý thức và trân trọng hơn với âm nhạc truyền thống, bởi đó là di sản. Cũng môi trường với sự dung nạp và đào thải không ngừng này đã giúp tôi khẳng định mình trong vai trò là một ca sĩ, nhạc sĩ Tây Nguyên”.
Xen vào giữa câu chuyện của chúng tôi, Y Jang Tuyn khẽ hát “Nỗi nhớ cao nguyên”-một sáng tác của anh thay cho những giãi bày với quê hương. Dù ở bất cứ nơi nào, nỗi nhớ cao nguyên luôn tràn về mênh mang: “Nơi đây Sài Gòn ngày trôi trong nỗi nhớ mong/Từng giọt cà phê cũng mang bóng hình em/Nhớ từng cơn gió lạnh/Từng cái nắng giọt sương trắng cao nguyên/Nhớ những con người hồn nhiên chân thật/Nhớ rừng cà phê xanh, rừng cao su xanh/Và nhớ cả mùi đất đỏ bazan”.
Minh Châu