Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Y Jang Tuyn: Vỗ cánh giữa phồn hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không phải là một ca sĩ “hot” hay có nhiều bài hát hit nhưng khi nhắc đến Y Jang Tuyn, những người yêu nhạc-đặc biệt là những ca khúc về Tây Nguyên-đều trân trọng những cống hiến của anh trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình từ trước đến nay. “Có lúc, bao khó khăn ùa vào như bão táp. Tưởng chừng chúng đã quật ngã niềm đam mê nghệ thuật trong tôi... Nhưng tôi vẫn cố đứng vững vì tôi biết rằng mình không thể xa rời nghệ thuật”-ca sĩ Y Jang Tuyn chia sẻ.

Tôi và Y Jang Tuyn biết nhau đã ngót 15 năm, chừng ấy thời gian vừa đủ dài để có thể hiểu được những khó khăn và nỗ lực của người con Bahnar này khi chọn phát triển sự nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh-một thị trường âm nhạc sôi động bậc nhất của Việt Nam và cũng là nơi đào thải nhanh nhất.

 

Nghệ thuật không chỉ cần năng khiếu

Sinh ra và trưởng thành tại Phố núi Pleiku trong một gia đình nghệ thuật nhưng để có những thành công nhất định trong sự nghiệp ca hát như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu không ngừng của Y Jang Tuyn.

 

 

Từ nhỏ, Y Jang Tuyn sớm tiếp xúc với âm nhạc trong môi trường nghệ thuật của đoàn nghệ thuật Đam San-Gia Lai, nơi bố Y Jang Tuyn công tác. Môi trường ấy đã tác động không nhỏ đến con đường âm nhạc của anh. 6 tuổi Y Jang Tuyn đã mạnh dạn bước lên sân khấu để hát. Khả năng dạn dĩ sân khấu có từ đó. Trong suốt quá trình học phổ thông tại Pleiku, Y Jang Tuyn cũng đã tham gia ca hát sôi nổi. Anh là một cây văn nghệ nổi bật của Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai với nhiều khả năng nghệ thuật như múa, hát và biểu diễn đàn Goong. Năm 1993, anh xuất sắc giành 2 Huy chương vàng Đơn ca và độc tấu đàn Goong tại Festival các trường dân tộc nội trú toàn quốc tại Thái Nguyên. Sau Fesival, anh còn vinh dự được mời về hát cho cuộc họp Quốc hội tại Hội trường Ba Đình. Ngoài ra anh còn giành được nhiều giải thưởng khác tại tỉnh nhà. Nói về những ngày chập chững cầm mic, anh tâm sự: “14 tuổi Tuyn đã phải xa gia đình để học trường nội trú. 16 tuổi, được tuyển thẳng vào trường Văn hóa-Nghệ thuật quân đội, nhưng ba mẹ can ngăn và bảo hãy học hết lớp 12”.

Năm 1997, lần đầu Y Jang Tuyn đến với vòng chung kết Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc (nay là giải Sao Mai)-đây chính là sân chơi đầu tiên của anh đối với sự  nghiệp ca hát. Trong cuộc thi lần này, anh dừng chân ở top 60, nhưng đến năm 2001 anh đã xuất sắc giành giải 3 Sao Mai. Anh chia sẻ: “Nhiều người nghĩ khi đã có một giải thưởng mang tầm quốc gia trong tay, Tuyn sẽ lấy đó làm đà để chuyển sang ca hát chuyên nghiệp. Nhưng không, Tuyn nghĩ muốn tồn tại lâu được với nghề thì phải học, phải nâng cao trình độ hơn nữa. Sống với nghệ thuật lâu dài nếu chỉ dựa vào năng khiếu thì không đủ”. Vì vậy, Y Jang Tuyn vẫn quyết tâm theo đuổi việc học Thanh nhạc tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội. Thời gian này, Y Jang Tuyn tiếp tục tham gia cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh năm 2003 và đạt giải 3. Đó chính là những cột mốc đánh dấu cho việc theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp của Y Jang Tuyn cho đến ngày hôm nay.  

Vỗ cánh giữa phồn hoa

 

Ở TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm những người trong nghề cũng không thể biết hết là có thêm bao nhiêu nhóm nhạc ra đời, bao nhiêu ca sĩ gia nhập làng âm nhạc và cũng không thể biết hết bao nhiêu nhóm nhạc, ca sĩ giải nghệ vì không thể trụ nổi với nghề. Đặc biệt, trào lưu “nhìn nhiều hơn nghe” của một bộ phận khán giả hiện nay đã phần nào ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các ca sĩ có chất giọng và được đào tạo bài bản.
 

 

Vì vậy, Y Jang Tuyn cũng gặp không ít khó khăn khi quyết định chọn TP. Hồ Chí Minh làm nơi lập nghiệp. Dù có chất giọng Bariton và khả năng hát nhiều phong cách âm nhạc khác nhau, nhưng để tìm một chỗ đứng, Y Jang Tuyn đã chọn cho mình con đường riêng, đó chính là dòng nhạc pop-rock Cao Nguyên, qua đó gìn giữ nét âm nhạc đầy lửa và mang bản sắc độc đáo của quê hương mình. Giọng ca ấy, như cánh chim ch’rao của núi rừng Tây Nguyên, vẫn đang nỗ lực vỗ cánh bay lên giữa phồn hoa Sài thành. Với những hoạt động âm nhạc sôi nổi và bằng cả niềm đam mê cháy bỏng, Y Jang Tuyn đã cho ra đời những sản phẩm âm nhạc ý nghĩa và có chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng yêu nhạc như Chiêm bao (Liveshow Bài hát Việt 2005); Quê tôi (Liveshow Bài hát Việt 2006); Ting ning ( Liveshow Bài hát Việt 2007); Tiếng đàn Goong nhớ Bác (viết cùng nhạc sĩ Kpa Ylăng)-giải nhạc sĩ sáng tác Bài hát viết về Bác Hồ nhân kỷ niệm 100 ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước năm 2011; Xanh xanh lời hát-Giải nhạc sĩ sáng tác hưởng ứng 20 năm chiến dịch Mùa hè xanh (2013)...

Đồng thời, Y Jang Tuyn cũng cho ra mắt nhiều sản phẩm âm nhạc như album “Nẻo quê”, “Khát”, “Bâng khuâng Trường Sa”, “Nỗi nhớ Cao Nguyên”; “Chúng tôi lính Hải quân”… cùng nhiều minishow và phim ca nhạc. Gần đây nhất, tháng 9-2014, Y Jang Tuyn ra mắt MV (Video Music) về đề tài xã hội: “Một bàn tay góp sức ngàn niềm vui nhân lên” với ca từ mộc mạc, giai điệu nhẹ nhàng kết hợp với những hình ảnh bình dị, giàu cảm xúc.

 

 

Ít người biết rằng, năm 2009 Y Jang Tuyn đã quyết định tham gia thi tuyển vào Ban Văn nghệ-Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh với vị trí là một biên tập viên âm nhạc dù trước đó anh chưa từng làm một bản tin, đi thi chỉ tin vào năng lực âm nhạc của mình. Công việc này cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho nghiệp ca hát của Y Jang Tuyn. Nhiệm vụ của anh là biên tập các chương trình và làm MC trên sóng của Đài như: Cuộc thi “Giọng hát hay hàng tuần”, “Chân dung nhạc Việt”, “Tạp chí âm nhạc”, “Giới thiệu ca khúc mới”, “Ca nhạc theo yêu cầu trực tiếp”...

Nói về sự nghiệp của mình hiện nay, Y Jang Tuyn chia sẻ ngắn gọn: “Tuyn cảm ơn âm nhạc đã cho mình rất nhiều. Nó là động lực để Tuyn luôn tìm đến, luôn khát khao cháy bỏng. Không biết có tham quá không nhưng tất cả những điều Tuyn làm đều để đến với mục đích duy nhất, đó là Âm nhạc”.

Minh Thi

Có thể bạn quan tâm