Văn phòng Thường trực ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau về việc chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão và gió mạnh trên biển.
Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. |
Vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới
Thông tin mới nhất từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 07 giờ ngày 28/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 14,5-15,5 độ Vĩ Bắc; 117,5-118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 750km về phía Đông Đông Nam.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 07 giờ ngày 29/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): từ vĩ tuyến 14,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km.
Đến 07 giờ ngày 30/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 470km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. |
Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão với xác suất 40-60%
Trước đó, chiều 27/6, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã đưa ra nhận định về một số thiên tai có khả năng xảy ra trong những ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7 tới.
Theo đó, trong những ngày tới, trên biển và đất liền nước ta có khả năng xuất hiện một số loại hình thiên tai nguy hiểm: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, dông lốc cũng như gió mạnh trên khu vực phía Nam của Biển Đông.
Cụ thể, hiện nay (27/6), trên khu vực phía Nam đảo Lu-dông (Philippines) đang tồn tại một vùng áp thấp. Dự báo khoảng đêm 27 và ngày 28/6, vùng áp thấp này đi vào khu vực Bắc và Giữa Biển Đông.
Khoảng ngày 29/6-02/7, vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với xác suất khoảng 70-80%. Sau đó, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão với xác suất 40-60% trên khu vực Bắc Biển Đông.
Mưa lớn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, mưa dông ở Tây Nguyên và Nam Bộ
Từ chiều tối ngày 29/6 đến 02/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to.
Từ ngày 29/6 đến 03/7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to.
Cần đề phòng nguy cơ lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp, ven sông. Ngoài ra, trên các sông, suối nhỏ thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt lũ nhỏ.
Gió mạnh trên khu vực phía Nam của Biển Đông
Từ ngày 29/6 trở đi, khu vực phía Nam của Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận trở vào đến Cà Mau gió Tây Nam mạnh dần lên cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng cao từ 2-3m, biển động.
Trong khoảng thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (06-09/7) ở khu vực Bắc Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng diễn ra mưa rào và dông, bản tin chi tiết sẽ được cung cấp từ ngày 02/7/2022.
Biển Đông có khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão trong những ngày tới. |
Theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão
Ngày 27/6/2022, Văn phòng Thường trực ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai ban hành Văn bản số 334/VPTT gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau về việc chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão và gió mạnh trên biển.
Theo đó, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do vùng áp thấp có khả năng đi vào Biển Đông và mạnh lên thành bão trong những ngày tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến của vùng áp thấp và gió mạnh trên biển Đông.
Thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp, duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Thứ hai, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Thứ ba, trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Văn phòng thường trực đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố quan tâm tổ chức thực hiện.
Theo chinhphu.vn