Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

YouTube, TikTok bị yêu cầu giải trình về thuật toán đề xuất nội dung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ủy ban châu Âu (EC) vừa yêu cầu YouTube, Snapchat và TikTok phải cung cấp thông tin về thuật toán đề xuất nội dung trên các nền tảng mạng xã hội này.

Ủy ban châu Âu đã chính thức yêu cầu các nền tảng mạng xã hội YouTube, Snapchat và TikTok cung cấp thông tin chi tiết về cách thức hoạt động của thuật toán đề xuất nội dung. EC lo ngại các thuật toán này có thể làm gia tăng một số rủi ro hệ thống, đặc biệt là những rủi ro liên quan đến quá trình bầu cử, sức khỏe tâm thần của người dùng và việc bảo vệ trẻ vị thành niên.

Yêu cầu được đưa ra trong khuôn khổ Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (Digital Services Act - DSA), nhằm đảm bảo các nền tảng lớn tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về việc kiểm soát nội dung bất hợp pháp và gây hại trên mạng. EC cho biết các thông tin cần được cung cấp bao gồm biện pháp mà các nền tảng này đã và đang triển khai để ngăn chặn thuật toán của họ lan truyền các nội dung trái phép, ví dụ như việc quảng bá chất cấm và phát tán ngôn từ kích động thù địch.

TikTok có hơn 1,5 tỉ người dùng hằng tháng trên toàn cầu chủ yếu là người trẻ tuổi. Nền tảng này phải đối mặt với nhiều lo ngại về nội dung đề xuất chưa phù hợp
TikTok có hơn 1,5 tỉ người dùng hằng tháng trên toàn cầu chủ yếu là người trẻ tuổi. Nền tảng này phải đối mặt với nhiều lo ngại về nội dung đề xuất chưa phù hợp

Ngoài ra, EC cũng yêu cầu TikTok phải cung cấp thêm thông tin liên quan đến các biện pháp mà công ty này đã áp dụng nhằm ngăn chặn các đối tượng xấu thao túng ứng dụng để gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử và các cuộc thảo luận công khai quan trọng. Điều này cho thấy mối lo ngại của EC không chỉ dừng lại ở nội dung bất hợp pháp, mà còn chú trọng đến vai trò của các nền tảng này trong việc bảo vệ tính toàn vẹn của các quy trình dân chủ.

YouTube, Snapchat và TikTok phải nộp đầy đủ thông tin yêu cầu trước ngày 15.11. Sau đó, EC sẽ đánh giá các bước tiếp theo, bao gồm khả năng áp dụng các mức phạt nếu phát hiện vi phạm. EC có quyền áp đặt mức phạt nghiêm khắc đối với các công ty không tuân thủ Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, bao gồm việc phạt tới 6% tổng doanh thu toàn cầu của các công ty này.

Với 2,7 tỉ người dùng, YouTube cũng gặp lo ngại về nội dung sai lệch do thuật toán đề xuất, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như sức khỏe và chính trị
Với 2,7 tỉ người dùng, YouTube cũng gặp lo ngại về nội dung sai lệch do thuật toán đề xuất, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như sức khỏe và chính trị

Trước đó, EC từng mở các thủ tục xử lý vi phạm đối với các nền tảng khác như Facebook, Instagram (của Meta), AliExpress và TikTok liên quan đến nội dung do thuật toán của họ đề xuất. Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, được áp dụng từ năm 2022, yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc kiểm soát nội dung bất hợp pháp, bảo vệ người dùng và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ thuật toán đề xuất của họ.

Bối cảnh của các yêu cầu này xuất phát từ mối quan ngại ngày càng gia tăng về việc các thuật toán đề xuất nội dung có thể làm gia tăng việc lan truyền các thông tin sai lệch, kích động hành vi thù địch và gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Với sự phổ biến ngày càng rộng rãi của các nền tảng mạng xã hội, EC nhấn mạnh rằng các công ty này cần có trách nhiệm lớn hơn trong việc đảm bảo an toàn cho người dùng và duy trì môi trường trực tuyến lành mạnh.

Các nền tảng như YouTube, Snapchat và TikTok đều có hàng tỉ người dùng trên toàn cầu, và ảnh hưởng của chúng đối với dư luận và xã hội là rất lớn. Điều này càng làm tăng thêm tính cấp bách của các yêu cầu từ EC nhằm đảm bảo các công ty công nghệ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc kiểm soát nội dung và bảo vệ người dùng.

Theo Khải Minh (TNO)

Có thể bạn quan tâm