Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Zalo thu phí, bóp tính năng: Ai có thể mua gói cước và ai sẽ "cạch mặt"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Còn vài ngày nữa Zalo sẽ tiến hành một số thay đổi được cho rằng, ứng dụng này sẽ tung ra 3 gói cước cho khách hàng khối doanh nghiệp và đồng thời cũng sẽ bóp tính năng đối với những người dùng miễn phí.

Từ tháng 8.2022, Zalo sẽ tung ra một số gói cước để thu phí người dùng. Ảnh minh họa: Thế Lâm



Nếu Zalo triển khai những thay đổi theo như đã công bố ít nhiều thông tin được dư luận bàn tán những ngày qua, ứng dụng này sẽ trở thành ứng dụng OTT đầu tiên tại Việt Nam thu phí người dùng.

Đây là một bước thay đổi lớn, vừa được cho rằng đánh dấu mốc nhân 10 năm ra mắt thị trường và cung cấp dịch vụ miễn phí của Zalo, vừa bị cho rằng cũng rất mạo hiểm khi quyết định bóp tính năng người dùng miễn phí để ép những khách hàng có nhu cầu cao hơn phải mua gói cước sử dụng cho nhu cầu của mình và trả phí.

Chị Thu Nguyễn (Quận 4, TPHCM) - một người dùng Zalo - thường xuyên để nói chuyện với người thân, gia đình, bạn bè - cho biết: “Tôi không biết gì về việc Zalo định thu phí hay bóp tính năng gì, lâu nay chỉ biết là dùng miễn phí”.

Trước câu hỏi là nếu Zalo thu phí đối với những người dùng như chị thì có tiếp tục sử dụng hay không, chị cho biết: “Thì cũng có thể cân nhắc. Bình thường, mình xài điện thoại cũng phải tốn cước, xài Zalo vừa có thể nhắn tin, gọi điện bằng video, gửi hình ảnh…”.

Cũng câu hỏi trên, một người dùng khác là chị Thanh Thùy (Quận 12, TPHCM) cũng được xếp vào hàng “low tech” không rành về các ứng dụng công nghệ như chị Thu Nguyễn, cho rằng có thể chi trả phí cho việc dùng Zalo không quá 200.000 đồng/năm, tính ra khoảng 15.000 đồng/tháng, coi như trả một phần cước điện thoại.

Tuy nhiên, với anh Nguyễn Bằng (quận Bình Thạnh, TPHCM), việc trả phí cho Zalo không chắc là chọn lựa. Bởi hiện nay, ngoài Zalo, anh còn sử dụng các ứng dụng OTT nhắn tin, gọi điện miễn phí như Messenger, Viber. Messenger không hỗ trợ việc gửi ảnh hay video call có hình ảnh chất lượng cao nhưng bù lại danh bạ được phép lưu trữ nhiều hơn và phổ biến.

Trong khi đó, Viber cho phép chuyển gửi hình ảnh với dung lượng tốt, tính bảo mật cao và ổn định.

Vì thế, nếu Zalo thu phí người dùng thông thường hay bóp tính năng quá mức, anh Bằng hoàn toàn có thể dễ dàng chuyển sang sử dụng các ứng dụng đối thủ của Zalo. Như vậy, Zalo vô hình trung có thể trở thành người tiếp sức cho đối thủ.  

Còn hơn cả thế, anh Hồng Thi (Quận 1, TPHCM) hiện thường xuyên sử dụng song song 3 ứng dụng Messenger, Zalo, Viber mỗi ngày, thậm chí thỉnh thoảng anh còn dùng WhatsApp, Telegram trong một số nhóm.

“Có rời bỏ Zalo cũng hoàn toàn không ảnh hưởng gì. Thậm chí, một số nhóm chat còn bảo nhau là nếu Zalo thu phí hay bóp tính năng người dùng thông thường quá mức thì lập nhóm ở ứng dụng khác để liên hệ, trao đổi” - anh Thi bày tỏ.

Nhìn chung, một số người dùng “low tech” có khả năng chấp nhận mua gói cước hơn là những người dùng là nhân viên văn phòng hay “cổ cồn trắng” vì họ có nhiều lựa chọn hơn và cũng không thích cái kiểu Zalo “chiêu trò” bóp tính năng để ép người dùng mua gói cước.


https://laodong.vn/the-gioi-so/zalo-thu-phi-bop-tinh-nang-ai-co-the-mua-goi-cuoc-va-ai-se-cach-mat-1074674.ldo

Theo Thế Lâm (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm