Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Zuckerberg lại nuốt lời, Facebook thừa nhận nghe lén người dùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Facebook thừa nhận họ nghe những cuộc gọi, ghi âm của người dùng để cải thiện hệ thống AI của mình.



Facebook đã trở thành công ty mới nhất sau Apple, Google và Amazon thừa nhận ký hợp đồng với đối tác để nghe những cuộc gọi, ghi âm của người dùng.

Theo Bloomberg, Facebook trả tiền cho hàng trăm đối tác để chuyển các đoạn trò chuyện bằng âm thanh thành văn bản. Các đối tác của họ không biết các đoạn thoại này là gì, từ đâu tới, điều duy nhất họ biết là cần phải chuyển chúng thành dạng văn bản.

Nhiều cuộc trò chuyện của người dùng Facebook, đôi lúc có cả từ ngữ nhạy cảm, đều đã được những đối tác này nghe.

 

Nội dung các tin nhắn thoại của người dùng được đối tác của Facebook nghe, chuyển thành văn bản nhằm cải thiện hệ thống AI. Ảnh: WSJ.
Nội dung các tin nhắn thoại của người dùng được đối tác của Facebook nghe, chuyển thành văn bản nhằm cải thiện hệ thống AI. Ảnh: WSJ.



Facebook thừa nhận điều này nhưng cho biết đã dừng chương trình.

"Giống Apple và Google, chúng tôi đã dừng việc nghe lại dữ liệu thoại từ người dùng hơn 1 tuần trước", công ty này thông báo.

Họ cũng cho biết những đoạn âm thanh bị chuyển cho phía đối tác là của những người lựa chọn tính năng chuyển giọng nói thành văn bản trong ứng dụng Facebook Messenger. Các đối tác của Facebook sẽ kiểm tra lại quá trình này để đảm bảo hệ thống của Facebook thực hiện chuyển đổi chuẩn xác.

Vào tháng 4, Amazon là công ty đầu tiên để lộ việc có hàng nghìn nhân viên trên toàn cầu nghe các đoạn hội thoại của người dùng với loa Alexa nhằm cải thiện phần mềm. Sau đó, Apple và Google cũng bị chỉ trích khi làm điều tương tự để cải tiến tính năng cho các trợ lý ảo Siri và Google Assistant.

Facebook lâu nay luôn phủ nhận các nghi vấn về nghe lén người dùng để kinh doanh quảng cáo, hoặc thay đổi nội dung hiển thị trên news feed. CEO Mark Zuckerberg nhấn mạnh điều này trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 4/2018:

"Có thuyết âm mưu rằng chúng tôi nghe người dùng nói gì và dùng để quảng cáo. Chúng tôi không làm điều đó".

Sau đó, Facebook cho biết ứng dụng của họ "chỉ truy cập microphone của người dùng khi được cấp quyền, và khi họ sử dụng tính năng đặc biệt cần ghi âm như tin nhắn bằng giọng nói".

Facebook chưa bao giờ nói với người dùng rằng những tin nhắn họ chuyển qua Messenger có thể được bên thứ ba nghe. Nguồn tin nội bộ cho biết sau khi biết được đây là tin nhắn của người dùng Facebook, nhiều công nhân cho rằng đây là việc làm trái đạo đức.


 

 TaskUs, một trong những đối tác giúp nghe nội dung tin nhắn của người dùng Facebook. Ảnh: TaskUs.
TaskUs, một trong những đối tác giúp nghe nội dung tin nhắn của người dùng Facebook. Ảnh: TaskUs.


TaskUs, công ty có trụ sở tại California là một trong những đối tác của Facebook. Tuy nhiên nhân viên của TaskUs chỉ biết họ đang làm việc outsource từ một đối tác có tên mã "Prism". Ngoài nghe cuộc trò chuyện Facebook còn ký hợp đồng với TaskUs để kiểm tra quảng cáo tranh cử, chính trị.

Trong phần chính sách sử dụng dữ liệu của Facebook, được chỉnh sửa năm 2018, không có phần nào nói đến dữ liệu thoại. Tuy nhiên, có một phần đề cập Facebook có thể thu thập "các nội dung, cuộc trò chuyện và những thông tin khác" khi người dùng nhắn tin, trò chuyện với nhau.

Facebook cũng chưa bao giờ đề cập đến nhân công trong các quá trình phân tích dữ liệu. Trong danh sách các đối tác bên thứ ba mà Facebook chia sẻ dữ liệu, họ cũng không đề cập đến đội ngũ chuyển âm thanh thành văn bản, mà chỉ nói tới các đối tác "hỗ trợ chúng tôi bằng cách phân tích sản phẩm được sử dụng như thế nào".

Việc các hãng công nghệ phải sử dụng nhân công để cải thiện AI cho thấy nhận biết từ ngữ, giọng nói vẫn là điểm yếu của trí tuệ nhân tạo. Việc các nhân công cảm thấy khó chịu, mệt mỏi vì các nội dung trên Facebook cũng cho thấy xử lý nội dung của người dùng trên mạng xã hội lớn nhất thế giới là công việc nguy hiểm như thế nào.

Nhật Minh (zing)
Theo Bloomberg

Có thể bạn quan tâm