Bạn đọc

1 vụ án, 12 lần xét xử: Vẫn chưa có hồi kết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là vụ án oan đối với ông Phùng Văn Cung, ở nhà số 52/1 Trần Phú, tổ dân phố 4, phường Diên Hồng, TP. Pleiku. Vụ án này xảy ra từ năm 1982 đã được Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Pleiku tổ chức xét xử 4 lần, TAND tỉnh xét xử 5 lần, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng (nay là TAND cấp cao tại Đà Nẵng) xét xử 2 lần và TAND tối cao xét xử 1 lần, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết.


Từ việc tranh chấp nhà đất

Đại diện hợp pháp của ông Phùng Văn Cung là bà Phùng Thị Kim Oanh (SN 1956) và ông Phùng Trọng Hiển (SN 1974) đều khẳng định: Tháng 4-1975, ông Cung (SN 1928, đã chết) mua căn nhà số 14, đường Hoàng Văn Thụ của bà Nguyễn Thị Lộc (SN 1915, đã chết) với giá 20.000 đồng. Bà Lộc đã nhận trước 10.000 đồng (tiền đặt cọc) của ông Cung, rồi đi đâu không rõ. Đến năm 1982, trở về đòi lại căn nhà không được, bà Lộc làm đơn khởi kiện và TAND thị xã Pleiku quyết định: bác yêu cầu của bà Lộc. Công nhận “ông Cung được sử dụng nền nhà số 14, đường Hoàng Văn Thụ...” (trích Bản án dân sự sơ thẩm số 3 ngày 21-5-1982 của TAND thị xã Pleiku). Không đồng ý với quyết định nêu trên, bà Lộc kháng cáo. TAND tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ) tổ chức xét xử và quyết định: “Cải toàn bộ án sơ thẩm. Xác nhận khung nhà số 14, đường Hoàng Văn Thụ... là thuộc quyền sở hữu của bà Lộc (có 4 bức tường xây, 1 cánh cửa sắt và 10 tấm tôn)” (trích Lục án dân sự phúc thẩm số 03 ngày 2-7-1982 của TAND tỉnh Gia Lai-Kon Tum).

 

 Bà Oanh và ông Hiển tham gia phiên tòa. Ảnh: Hoàng Cư
Bà Oanh và ông Hiển tham gia phiên tòa. Ảnh: Hoàng Cư

Lục án dân sự phúc thẩm số 03 ngày 2-7-1982 của TAND tỉnh Gia Lai-Kon Tum có hiệu lực pháp luật, nhưng ông Cung không chấp hành. Ngày 4-4-1983, Chánh án TAND thị xã Pleiku đã ký lệnh tạm giữ ông Cung để thi hành án. Gia đình ông Cung quyết liệt phản đối việc thi hành án. Ngay sau đó, ông Cung bị bắt giam và bị kết án 3 năm tù về tội “Chống đối việc thi hành án đã có hiệu lực pháp luật và chống đối cán bộ trong khi thi hành nhiệm vụ” (trích Bản án hình sự sơ thẩm số 53 ngày 22-8-1985 của TAND tỉnh Gia Lai-Kon Tum và Bản án hình sự phúc thẩm số 205 ngày 20-10-1985 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng).  

Đến hành trình đi đòi bồi thường

Từ khi ông Cung bị bắt giam, bà Nguyễn Thị Thịnh (vợ) và các con của ông Cung thay nhau đi kêu cứu khắp nơi. Bản án Giám đốc thẩm hình sự số 42 ngày 29-8-1987 của Ủy ban Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định: “Tuyên bố Phùng Văn Cung không có trách nhiệm hình sự về các hành vi tội phạm như đã nêu trong Bản án hình sự phúc thẩm số 205 ngày 20-10-1985 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng”. Ngày 15-5-2008, ông Cung được Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng chấp nhận bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết 388 ngày 17-3-2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (viết tắt là Nghị quyết 388) về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do những người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.

Bà Oanh và ông Hiển đã làm đơn yêu cầu bồi thường tổng thiệt hại hơn 13 tỷ đồng, nhưng Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng không chấp nhận. Sau đó, bà Oanh và ông Hiển làm đơn khởi kiện theo Nghị quyết 388. Bản án sơ thẩm số 52 ngày 24-3-2010 của TAND TP. Pleiku quyết định: Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của bà Oanh và ông Hiển. Buộc Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng phải bồi thường cho ông Cung thông qua người đại diện hợp pháp là bà Oanh và ông Hiển số tiền thiệt hại do tổn thất về tinh thần và thu nhập thực tế bị mất là hơn 119 triệu đồng. Không đồng ý với mức bồi thường này, ngày 1-4-2010, bà Oanh và ông Hiển gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên. Bản án phúc thẩm số 64 ngày 27-5-2010 của TAND tỉnh Gia Lai quyết định: Buộc Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng phải bồi thường cho ông Cung thông qua người đại diện theo pháp luật là bà Oanh và ông Hiển tổng số tiền thiệt hại là hơn 127 triệu đồng. Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Oanh-ông Hiển có đơn khiếu nại và Chánh án TAND tối cao đã ký Quyết định số 186 ngày 21-5-2013 kháng nghị Bản án phúc thẩm số 64 ngày 27-5-2010 của TAND tỉnh Gia Lai. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, kháng nghị và lắng nghe các ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng Giám đốc thẩm đã quyết định: Hủy toàn bộ Bản án phúc thẩm số 64 ngày 27-5-2010 của TAND tỉnh Gia Lai và Bản án sơ thẩm số 52 ngày 24-3-2010 của TAND TP. Pleiku. Giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Pleiku xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật (trích Quyết định giám đốc thẩm số 340 ngày 21-8-2013 của TAND tối cao).

Nhận lại hồ sơ vụ án, TAND TP. Pleiku tổ chức xét xử lại và quyết định: Buộc Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng bồi thường cho ông Cung thông qua người đại diện là bà Oanh và ông Hiển tổng số tiền thiệt hại là hơn 206 triệu đồng (Bản án sơ thẩm số 23 ngày 22-5-2014 của TAND TP. Pleiku). Ngày 4-6-2014, bà Oanh và ông Hiển tiếp tục có đơn kháng cáo Bản án nêu trên. Ngày 9-9-2014, TAND tỉnh tổ chức xét xử và quyết định: Hủy Bản án sơ thẩm số 23 ngày 22-5-2014 của TAND TP. Pleiku. Chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP. Pleiku giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

Xét thấy vụ án này quá phức tạp, lãnh đạo các cơ quan tư pháp của Trung ương và địa phương đã thống nhất giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm, không để TAND TP. Pleiku giải quyết. Ngày 12-8-2015, TAND tỉnh tổ chức xét xử sơ thẩm và quyết định: Buộc Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng bồi thường cho ông Cung thông qua người đại diện là bà Oanh và ông Hiển tổng cộng hơn 280 triệu đồng. Lại không chịu mức bồi thường nêu trên, bà Oanh và ông Hiển làm đơn kháng cáo. Ngày 27-5-2016, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức xét xử và chấp nhận bồi thường cho ông Cung thông qua người đại diện là bà Oanh và ông Hiển tổng cộng số tiền thiệt hại là gần 350 triệu đồng.

Ngày 31-5, trao đổi với chúng tôi, bà Oanh và ông Hiển quả quyết: “Chúng tôi đang làm đơn khiếu kiện những phán quyết của TAND cấp cao tại Đà Nẵng trong phiên xét xử vào ngày 27-5 vừa qua”.

 Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm