Ông Phạm Thế Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai |
Riêng với Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Gia Lai, sau 10 năm thành lập, với sự nỗ lực phấn đấu của mình, Chi nhánh (CN) đã cơ bản làm tốt công tác huy động vốn và chuyển tải vốn tín dụng đến đối tượng có nhu cầu; bám sát danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhanh và chủ động tiếp cận với doanh nghiệp, tìm hiểu kế hoạch sản xuất- kinh doanh để có phương án hỗ trợ hiệu quả.
Nếu cuối năm 2001, huy động vốn của CN chỉ đạt 45 tỷ đồng thì đến nay đã đạt 1.200 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng huy động hàng năm bình quân đạt 25%-30%, chiếm 11% thị phần huy động vốn; dư nợ từ 190 tỷ đồng năm 2001 nay đã đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, chiếm 16% thị phần tín dụng cho vay tín dụng trên địa bàn. Hoạt động kinh doanh của CN cũng đạt kết quả rất khả quan; từ lợi nhuận vài trăm triệu đồng trong những năm đầu mới đi vào hoạt động thì đến tháng 6-2011 đã đạt gần 62 tỷ đồng. Chi nhánh cũng rất chú trọng đến việc đổi mới, áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, khai thác tốt các dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiên tiến, mở rộng mạng lưới hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và các thành phần kinh tế tiếp cận với các dịch vụ của ngân hàng.
Thời gian qua, CN đã cam kết đầu tư vào một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh như: Thủy điện Sê San 3, Sê San 3a, Đak Srông 2, 2a và các dự án chế biến gỗ, đá granite, tinh bột mì, mủ cao su… Chi nhánh đã từng bước đáp ứng được các nhu cầu về thanh toán và các dịch vụ tiện ích ngân hàng, trong đó đã phát hành hơn 80.300 thẻ ATM, là một trong những ngân hàng có số thẻ phát hành chiếm thị phần lớn trên địa bàn; thực hiện tốt các chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất; công tác quản lý ngoại hối được đảm bảo; công tác thanh tra, kiểm soát được chú trọng; tỷ lệ nợ xấu dưới mức khống chế của ngành.
Chúng ta bước vào thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch năm 2011, năm đầu tiên của thời kỳ kế hoạch 2011-2015 với nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chúng ta phải thực hiện nhất quán các chủ trương về kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp thắt chặt tài chính, tín dụng; kiểm soát lãi suất ngân hàng, mua sắm tài sản công,…; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện để thu hút đầu tư và sự phát triển của doanh nghiệp. Với tinh thần đó, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Gia Lai phải cùng các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn quán triệt đầy đủ các mục tiêu mà Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đề ra để có những động thái tích cực hơn, nỗ lực hơn, góp phần phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Tăng mức huy động vốn tại địa phương, tranh thủ các nguồn vốn điều hòa của Trung ương, vốn ủy thác đầu tư; ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn- nông dân; cho vay xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế cho vay kinh doanh chứng khoán, bất động sản; bám sát danh mục các dự án kêu gọi đầu tư cũng như yêu cầu về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh để đảm bảo đầu tư vốn có trọng tâm, trọng điểm. Hạn chế đến mức thấp nhất nợ xấu.
Vui tươi, niềm nở với khách. Ảnh: Thất Sơn |
Chi nhánh cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội; củng cố và kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng đời sống văn hóa, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo và đào tạo lại để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên mạnh cả về phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn; đẩy mạnh phong trào thi đua tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Cùng với sự phát triển của tỉnh nhà, vai trò của hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh càng trở nên quan trọng. Mong rằng Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương tiếp tục phát huy truyền thống, năng động sáng tạo, nỗ lực cố gắng, thống nhất, đoàn kết góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.
Phạm Thế Dũng
(Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)