Sức khỏe

100 ca mổ não và tủy sống đầu tiên bằng Robot AI tại Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Được Bộ Y tế cấp phép, Bệnh viện Tâm Anh triển khai phẫu thuật u não, u tủy sống bằng Robot AI duy nhất tại Việt Nam, vừa đạt mốc 100 ca mổ đầu tiên thành công.

Sáng 22-12, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM công bố 100 ca mổ não và tủy sống đầu tiên bằng Robot AI Modus V Synaptive. Sự kiện mở ra một "cuộc cách mạng" cho cả các bác sĩ và người bệnh tại Việt Nam, với những ưu điểm vượt trội mà các kỹ thuật mổ não truyền thống không có.

ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ phát biểu tại buổi tọa đàm về hiệu quả điều trị u não, u tủy sống và đột quỵ xuất huyết não khi phẫu thuật bằng Robot AI Modus V Synaptive. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM hiện là đơn vị y tế duy nhất tại Việt Nam sở hữu và làm chủ công nghệ mổ não bằng Robot AI. Trên thế giới, chỉ có 14 quốc gia ứng dụng công nghệ này, chủ yếu là các nước phát triển. Bộ Y tế đã cấp phép cho Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thực hiện điều trị và đào tạo chuyên môn về kỹ thuật mổ não và tủy sống bằng Robot AI cho các đơn vị y tế khác.

Báo cáo với Bộ Y tế, Bệnh viện Tâm Anh TP HCM cho biết Robot AI giúp người bệnh giảm 20% thời gian phẫu thuật, giảm 40% thời gian nằm viện, giảm 79% lượng máu mất trong phẫu thuật. Chi phí điều trị có thể thấp hơn 40 lần so với mổ tại Mỹ với cùng công nghệ, người bệnh được thanh toán bảo hiểm y tế.

Phát biểu tại buổi tọa đàm về Robot AI, Thầy thuốc ưu tú, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết phần lớn trong 100 ca mổ não và tủy sống đầu tiên bằng Robot AI Modus V Synaptive là những ca bệnh khó, nguy hiểm, nhiều người bệnh gần như hết hy vọng khi "bị trả về" do không dám mổ điều trị.

Nhiều người bệnh đã đi lại được sau nhiều năm yếu liệt nằm một chỗ, hoặc sáng mắt trở lại sau thời gian dài mắt mờ dần và mù hẳn. Nhiều đứa trẻ thậm chí mới 4, 5 tuổi mắc u não nguy hiểm, không nói được, suy nghĩ loạn thần, cận kề cái chết, đã được cứu sống trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người thân.

"Chúng tôi thật sự xúc động khi chứng kiến những khoảnh khắc hồi sinh như vậy", bác sĩ Tấn Sĩ nói.

Bác sĩ trò chuyện cùng bệnh nhi 5 tuổi sau ca mổ loại bỏ u não vùng trên yên bằng Robot AI Modus V Synaptive. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Robot AI giúp bác sĩ khắc phục các hạn chế của kỹ thuật mổ não truyền thống. Trước mổ, Robot AI "hòa hình" các hình ảnh từ nhiều thiết bị chẩn đoán hình ảnh như CT, MRI, DTI, DSA… để tạo nên một hình ảnh 3D có độ phân giải rất cao. Nhờ đó, bác sĩ thấy rõ toàn bộ bên trong sọ não, định vị chính xác khối u, khối máu tụ trong mối tương quan với các cấu trúc não lành và các bó sợi thần kinh xung quanh. Đồng thời, công nghệ AI còn chỉ ra các con đường tiếp cận khối u, khối máu tụ mà không làm tổn thương các bó sợi thần kinh hay vùng não, vùng tủy lành.

Robot AI còn cho phép bác sĩ mổ mô phỏng "thực tế ảo" trước trên phần mềm chuyên dụng. Từ đó, bác sĩ chủ động chọn vị trí mở hộp sọ, đường tiếp cận vào bên trong sọ não, tủy sống của người bệnh theo cách hiệu quả, thuận tiện và an toàn nhất, tránh phạm phải các cấu trúc lành.

Khi bước vào ca mổ chính thức, dữ liệu hoạch định sẵn từ cuộc mổ mô phỏng sẽ được truyền lên Robot và các thiết bị hiện đại tại phòng mổ, mọi thao tác của bác sĩ trong cuộc mổ chính thức đều được Robot AI giám sát chặt chẽ.

Clip cánh tay Robot tự động di chuyển.

"Cánh tay Robot AI liên tục di chuyển tự động theo dụng cụ mổ hoặc giọng nói và phát tín hiệu cảnh báo xanh, đỏ, vàng để xác quyết "ngay tức thì/real time" cho đường mổ an toàn. Nếu Robot phát đèn xanh là an toàn, đèn vàng là cảnh giác và đèn đỏ là đang đi chệch hướng, bác sĩ sẽ dừng lại ngay để tránh nguy cơ đụng vào các cấu trúc não lành", bác sĩ Tấn Sĩ cho biết.

Khi tiếp cận khối u, bác sĩ sử dụng hệ thống "cắt hút siêu âm Cusa" chuyên dụng để giảm kích thước, hút và loại bỏ hoàn toàn u não, u tủy sống. Nhờ đó, chức năng thần kinh của người bệnh được bảo toàn tối đa, hạn chế tối đa các di chứng sau mổ, người bệnh phục hồi nhanh chóng và có thể sớm trở về nhà. Ưu điểm này vượt trội hơn hẳn so với những gì mà các kỹ thuật, máy móc truyền thống có thể làm được.

Bác sĩ đang dùng Robot AI mổ u não cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Robot AI Modus V Synaptive được Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ứng dụng trong kỹ thuật mổ não thức tỉnh (ENRICH) để cấp cứu đột quỵ xuất huyết não. Kỹ thuật này cho phép bệnh nhân tỉnh táo, có thể tương tác, cử động, thậm chí là hát trong lúc mổ. Điều này giúp bác sĩ trực tiếp đánh giá chức năng thần kinh khi thao tác vào vùng não tương ứng, từ đó nâng cao hiệu quả loại bỏ khối máu tụ, cầm máu trong não và bảo tồn tối đa chức năng thần kinh cho người bệnh.

Kỹ thuật mổ não thức tỉnh được Hội Đột quỵ Thế giới đánh giá là "cuộc cách mạng" trong mổ cấp cứu đột quỵ xuất huyết não, mang đến nhiều ưu điểm, giúp người bệnh hồi phục nhanh, giảm tối đa di chứng.

Theo Trường Giang (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm