Sức khỏe

Dinh dưỡng

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc kiêng cữ trong ăn uống với người mỡ máu cao không chỉ là giảm chất béo, thịt động vật mà cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, giảm lượng đường, tinh bột nhanh từ trái cây, các loại bánh ngọt, hạn chế bia rượu...

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng -Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết hiện nay tình trạng mỡ máu cao rất phổ biến. Để kiểm soát và điều trị mỡ máu thì việc xây dựng chế độ ăn uống khoa học có vai trò rất quan trọng. Điển hình có thể thấy đối với bệnh nhân rối loạn mỡ máu, chưa đến ngưỡng dùng thuốc, chưa tăng huyết áp, tim mạch, nhồi máu, tiểu đường, nếu thay đổi chế độ ăn và duy trì tập luyện thì sau 2-3 tháng chỉ số mỡ máu quay về mức bình thường.

Nhiều loại mỡ máu cao

Mỡ máu cao được chia thành nhiều loại như cholesterol, LDL cholesterol, HDL cholesterol, triglyceride... Đối với bệnh nhân mỡ máu cao cần quan tâm bị rối loạn thành phần nào trong các chỉ số mỡ máu, chế độ ăn đúng chưa, việc kiểm soát cân nặng, lối sống vận động đủ chưa. Với trường hợp có yếu tố di truyền, ngoài thay đổi chế độ ăn cần phải dùng thuốc, can thiệp

Tiêu thụ dư thừa các loại trái cây, nước ép trái cây có thể làm tăng tryglicetrits trong máu
Tiêu thụ dư thừa các loại trái cây, nước ép trái cây có thể làm tăng tryglicetrits trong máu

"Nhiều người cho rằng để giảm mỡ máu cần kiêng các chất béo, đạm động vật là được, tuy nhiên điều này là chưa đủ. Qua thực tế có bệnh nhân cho biết ăn uống rất kiêng khem nhưng mỡ máu vẫn cao. Khi khai thác kỹ bệnh sử ghi nhận bệnh nhân có uống khoảng 2 lon bia mỗi ngày... Việc tiêu thụ nhiều cồn sẽ làm tăng triglyceride trong máu", bác sĩ Mai chia sẻ.

Theo bác sĩ Mai, chế độ ăn uống cho người mỡ máu cao cần cân bằng, hài hòa 3 nhóm đạm đường béo. Nếu chỉ kiêng khem mỡ động vật (chất béo bão hòa) mà tiêu thụ cồn hay các nhóm đường, tinh bột hấp thu nhanh như trái cây, bánh mỳ tinh chế, bánh kẹo ngọt, nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn... vẫn có thể làm mỡ máu cao.

"Đường fructose trong trái cây và các loại nước ép nếu tiêu thụ nhiều dư thừa có thể làm tăng tryglicetrits trong máu. Tuy nhiên, nhiều người bệnh mỡ máu thừa cân nhầm tưởng chỉ cần kiêng chất béo nên ăn nhiều trái cây và các loại thực phẩm thuộc nhóm carbohydrate thì vẫn gây mỡ máu cao", bác sĩ Mai chia sẻ.

Với người bị rối loạn lipid máu toàn phần, cần xem lại chế độ ăn, đặc biệt là nhóm chất béo đã cân bằng chưa. Ví dụ người nặng 60-65 kg, tiêu thụ 2.000 calo mỗi ngày thì lượng chất béo tiêu thụ khoảng 50 - 60 g mỗi ngày. Bao gồm chất béo bão hòa như gà, bò cá, tôm mực, sữa nguyên kem, phô mai... chiếm khoảng 150 - 200 g, chất béo không bão hoà như dầu thực vật (ô liu, dầu phộng..) khoảng 2 thìa, hạn chế tối đa chất béo chuyển hóa (bánh quy, đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn...).

Nên ăn gì để giảm mỡ xấu trong máu?

Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà (Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết để giảm mỡ xấu trong máu, có thể tập trung vào một chế độ ăn uống lành mạnh và thay đổi lối sống.

Chế độ ăn giàu chất xơ. Chất xơ hòa tan có thể làm giảm sự hấp thụ chất béo xấu, đặc biệt là cholesterol vào máu và chất xơ không hòa tan làm chậm quá trình tiêu hóa, khiến bạn cảm thấy no lâu hơn. Các loại rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt: yến mạch, diêm mạch, hạt kê, hạt chia, hạt lanh, quả óc chó, đậu nành... và một số loại trái cây giàu chất xơ ít đường như ổi, táo, bơ sáp, cam, sung mỹ, kiwi, các loại quả mọng...

Tăng cường chất béo tốt. Chất béo là thành phần cấu tạo của các tổ chức thần kinh, màng tế bào, là môi trường giúp hòa tan và vận chuyển vitamin, là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể và giúp duy trì nhiệt độ cơ thể. Nên duy trì tiêu thụ lượng chất béo vừa đủ và tăng cường lựa chọn ăn chất béo không bão hòa như omega-3 và omega-6. Cá, dầu oliu, dầu hạt lanh, dầu mè, dầu đậu phộng... là nguồn bổ sung chất béo tốt.

Hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo xấu. Giảm thức ăn chứa nhiều chất béo xấu, chẳng hạn như thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thịt đỏ và sản phẩm từ sữa chứa nhiều chất béo, phô mai, kem, bơ thực vật, mỡ lợn; các sản phẩm thịt chế biến như xúc xích, giò nạc, cá hộp, thịt hộp...

Giảm thực phẩm chứa nhiều đường. Đối với người có mỡ máu, hạn chế đường và thực phẩm giàu đường là quan trọng. Tránh thức ăn chế biến có nhiều đường như bánh kẹo ngọt, nước ngọt, chè, trái cây sấy khô... Vì khi lượng đường trong cơ thể dư thừa sẽ chuyển hóa thành chất béo.

Theo Lê Cầm (TNO)

Có thể bạn quan tâm