Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

100 ngày chiến sự ở Dải Gaza: Cuộc xung đột chưa có lối thoát

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trải qua 100 ngày giao tranh, tình hình vẫn căng thẳng và thương vong của các bên vẫn cao, khác hẳn với những tuyên bố về một cuộc chiến đã “chuyển sang giai đoạn ít khốc liệt” hơn.
Các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc oanh kích của Israel xuống Dải Gaza. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc oanh kích của Israel xuống Dải Gaza. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đã đẩy khu vực Trung Đông vào tâm điểm chú ý trong những tháng cuối năm 2023.

Trải qua 100 ngày giao tranh, tình hình vẫn căng thẳng và thương vong của các bên vẫn cao, khác hẳn với những tuyên bố về một cuộc chiến đã “chuyển sang giai đoạn ít khốc liệt” hơn.

Cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023 vào các địa phương miền Nam Israel đã khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng, đa số là dân thường, và 240 người bị bắt đưa về Dải Gaza làm con tin.

Ngay lập tức, Israel đã phát động chiến dịch tấn công trả đũa mang tên “Những thanh gươm sắt,” huy động gần như toàn bộ quân số và vũ khí khí tài, cộng thêm khoảng 300.000 quân dự bị.

Đến ngày 27/10/2023, Israel bắt đầu đưa quân vào Dải Gaza, đánh dấu một giai đoạn mới với quyết tâm “xóa sổ” Hamas.

Các trận không kích và pháo kích khiến số lượng thương vong tại Dải Gaza tăng lên hàng trăm người mỗi ngày.

Tròn 100 ngày chiến sự, Israel đã thực hiện tổng cộng khoảng 30.000 cuộc tấn công vào các mục tiêu tại Gaza.

Tròn 100 ngày chiến sự, Israel đã thực hiện tổng cộng khoảng 30.000 cuộc tấn công vào các mục tiêu tại Gaza.

Đã có gần 24.000 người Palestine thiệt mạng và trên 60.000 người bị thương, trong đó đa phần là dân thường. 85% dân số phải rời bỏ nhà cửa. 50% các công trình dân sự bị phá hủy không thể phục hồi. 100% học sinh phải nghỉ học.

Đặc biệt, cuộc tấn công đã gây ra tình trạng thảm họa nhân đạo mà chuyên gia của Liên hợp quốc ví là “địa ngục trần gian,” khi các bệnh viện không thể hoạt động đầy đủ chức năng, 26% dân số Gaza đối mặt với thiếu ăn nghiêm trọng, 220 người mới có một nhà vệ sinh.

Người dân Palestine tại Dải Gaza đang đối mặt với một tương lai mù mịt, bởi ngay cả khi chiến sự dừng lại lúc này, thì họ cũng sẽ phải mất nhiều năm đối phó với tình trạng thiếu thốn lương thực, thực phẩm và dịch bệnh lây lan.

Với Israel, càng đi sâu vào cuộc chiến, thế bế tắc càng hiện rõ. Trước khi phát động cuộc tấn công vào Gaza, Israel đặt ra 3 mục tiêu chính: loại bỏ lực lượng Hamas, giải phóng toàn bộ các con tin và “thay đổi cục diện Trung Đông” để không còn một lực lượng nào có thể đe dọa an ninh của nước này.

Tuy nhiên, sau 100 ngày, cả 3 mục tiêu này vẫn dang dở, bất chấp các đợt tấn công dữ dội trên chiến trường cũng như các hoạt động ngoại giao và hòa giải khẩn trương của các bên.

Với mục tiêu thứ nhất, Hamas không những không bị loại bỏ mà ngày càng lợi thế với chiến thuật giằng co du kích, nhằm đẩy quân đội Israel vào thế sa lầy trên thực địa và sự phản đối của dư luận quốc tế.

Quân đội Israel đã mang tới chiến dịch những công nghệ hiện đại nhất để dò tìm, phát hiện và phá hủy hệ thống đường hầm, có chiều dài lên tới 500 km và được cho là "xương sống" sức mạnh quân sự của Hamas.

Nhưng dường như công việc là quá tải khi các đơn vị tác chiến đặc biệt vấp phải những cái bẫy chết người do Hamas cài đặt.

Daphne Richemond-Barak, Phó Giáo sư khoa Quản trị, Ngoại giao và Chiến lược Lauder thuộc Đại học Reichman (Israel), nhận định: “Hamas đã thành công khi lấy hệ thống đường hầm và các công trình phức tạp làm điểm tựa. Chưa bao giờ trong lịch sử quân phòng thủ có thể tồn tại hàng tháng trong những đường hầm với không gian bó hẹp như vậy.”

Đây có thể là lý do tại sao ngay đêm trước Năm mới 2024, Hamas đã phóng một loạt rocket vào các thành phố miền Trung Israel, bao gồm cả thủ phủ kinh tế Tel Aviv.

Tổng cộng Hamas đã bắn khoảng 9.000 quả đạn pháo và tên lửa từ Dải Gaza sang Israel.

Quân đội Israel tuyên bố cho tới nay đã loại khỏi vòng chiến 9.000 tay súng Hamas, nhưng giới phân tích cho rằng con số thực tế chỉ vào khoảng một nửa.

Trong khi đó, số thương vong của binh sỹ Israel tại Gaza là 188 người - con số tương đối thấp xét từ góc độ một cuộc xung đột ở vùng địa hình đô thị phức tạp. Tuy nhiên, tỷ lệ gần 20% binh sỹ thiệt mạng là do bắn nhầm và tai nạn, cho thấy vấn đề trong tác chiến của quân đội Israel.

Với mục tiêu giải phóng con tin, đến nay mới chỉ có một phần trong tổng số khoảng 240 con tin được giải thoát, số còn lại hơn 130 con tin vẫn đang bị giam giữ tại Dải Gaza với số phận chưa rõ.

Tại thành phố Tel Aviv, khu vực trước cửa Bảo tàng Nghệ thuật và bên cạnh trụ sở Bộ Quốc phòng đã được đặt biệt danh “Quảng trường con tin,” nơi người dân hằng ngày vẫn đến đặt hoa, thắp nến để cầu nguyện cho các nạn nhân.

Ngày 14/1, phát biểu trước hàng nghìn người dân tụ tập tại đây, Tổng thống Israel, Isacc Herzog đã kêu gọi “toàn thể thế giới” hỗ trợ để sớm đưa các con tin trở về nhà yên bình.

Mục tiêu thứ ba cũng đang đứng trước những thách thức lớn.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây đã trở lại Trung Đông một tuần trong chuyến công du lần thứ tư tới khu vực, dừng chân tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Jordan, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Israel và Bờ Tây, nhằm kiểm soát nguy cơ chiến sự lan rộng ra toàn khu vực.

Những gì ông chứng kiến là bạo lực tiếp tục leo thang căng thẳng trong khu vực. Sau khi Mỹ-Anh thực hiện 73 cuộc không kích nhằm vào Houthi, thủ lĩnh lực lượng này tuyên bố sẽ trả đũa các mục tiêu của Mỹ và Anh trong toàn bộ khu vực.

Đến nay, Houthi đã thực hiện tổng cộng 25 cuộc tấn công nhằm vào các tàu thương mại trên Biển Đỏ, làm gián đoạn hoạt động của một trong những tuyến vận tải biển quan trọng nhất thế giới.

Từ Liban, phong trào Hezbollah và các nhánh của Hamas đã bắn tổng khoảng 2.000 quả đạn pháo sang lãnh thổ Israel.

Trong lần xuất hiện mới nhất trên truyền hình hôm 12/1, thủ lĩnh Hassan Nasrallah của phong trào này tiếp tục cảnh báo sẽ không ngồi yên chừng nào các cuộc tấn công tại Gaza chưa dừng lại.

Nhân viên y tế khám cho một em nhỏ tại bệnh viện dã chiến ở thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza, ngày 8/1/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhân viên y tế khám cho một em nhỏ tại bệnh viện dã chiến ở thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza, ngày 8/1/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

100 ngày diễn ra cuộc chiến, nếu nhắc đến một điểm được coi là "khả quan," thì có thể nói đó là việc kiềm chế chiến sự lan rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông, cho dù chưa có gì đảm bảo điều này sẽ được duy trì trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những cái giá phải trả kèm theo cũng không hề nhỏ, từ phí tổn chiến tranh tới thiệt hại về uy tín.

Năm 2023, Israel đã phải chi trả cho cuộc chiến tại Dải Gaza tới 6,59 tỷ USD, khiến thâm hụt ngân sách tăng lên 4,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), do đầu tư và xuất khẩu đều giảm mạnh.

Thời gian của chiến dịch quân sự liên tục được điều chỉnh. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã đề cập đến khả năng chuẩn bị tinh thần cho cuộc chiến kéo dài đến hết năm 2024.

Ngân sách quân sự vì vậy đã được chính phủ nước này đề xuất tăng mạnh cho các năm tới.

Mối quan hệ giữa Israel và đồng minh thân cận Mỹ tiếp tục bị tác động tiêu cực bởi những bất đồng quan điểm, đặc biệt liên quan đến vấn đề chủ thể nào sẽ quản lý Dải Gaza sau khi chiến tranh kết thúc.

Cuối cùng, cuộc xung đột nếu kéo dài sẽ càng giúp uy tín của phong trào Hamas tăng lên và hình ảnh của Israel đi xuống trong dư luận quốc tế.

Hamas đã thành công khi khơi lại sự chú ý của thế giới với cuộc đấu tranh giành độc lập của người Palestine, giúp đẩy lên những tiếng nói ủng hộ một Nhà nước Palestine độc lập như là giải pháp duy nhất cho tiến trình hòa bình Trung Đông.

Còn với Tel Aviv, vụ Nam Phi kiện Israel tại Tòa án Công lý quốc tế đang đặt ra những thách thức không nhỏ để giới lãnh đạo nước này chứng minh không vi phạm “Công ước Liên hợp quốc về ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng” năm 1948 với các cuộc tấn công vào Dải Gaza.

100 ngày chiến sự, trước mắt người dân Israel và Dải Gaza vẫn là một cuộc xung đột dai dẳng chưa nhìn thấy lối thoát.

Có thể bạn quan tâm