Đó là kết quả báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế - mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2019, được Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) công bố sáng 18-11.
Bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hội tư vấn thuế, góp ý tại buổi lễ công bố báo cáo - Ảnh: L.THANH
Trình bày báo cáo về kết quả khảo sát, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế của VCCI, cho biết khảo sát năm nay tập trung 6 nhóm vấn đề về việc doanh nghiệp (DN) tiếp cận thông tin chính sách pháp luật và thủ tục hành chính thuế; thanh tra kiểm tra thuế; hóa đơn điện tử… tại 1.700 DN trên cả nước.
73% chi phí đen trả cho cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế
Cụ thể, điểm lưu ý nhất trong báo cáo năm nay là vẫn có tới 9% DN thẳng thắn thừa nhận trả chi phí ngoài quy định; 64% DN cho biết là không; còn 27% DN thì từ chối trả lời về việc có chi trả chi phí không chính thức.
Trong đó, tỉ lệ DN dân doanh cho hay trả chi phí đen nhiều nhất. Và chủ yếu chi phí đen được trả cho cán bộ thuế ở bộ phận kiểm tra thuế, thanh tra thuế với 73%. Điều đó cho thấy ngành thuế cần nghiêm túc chấn chỉnh.
Bình luận về tỉ lệ DN phải trả chi phí "đen", bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban môi trường cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), nhận định thực tế là cao hơn.
"Dù báo cáo cho hay có 9% DN trả chi phí không chính thức nhưng tỉ lệ này mà chúng tôi nghiên cứu, điều tra trong thời gian gần đây thường cao hơn. Thế nhưng, có không ít DN lại rất vui vẻ dù phải mất chi phí này", theo bà Thảo.
Để ngăn chặn tình trạng DN phải trả chi phí không chính thức này, trao đổi riêng với Tuổi Trẻ Online, ông Tuấn cho rằng cần phải ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với DN thì sẽ hạn chế được việc này.
Tuy nhiên, chuyên gia về tài chính doanh nghiệp (đề nghị không nêu tên) cho rằng khó có chuyện ngăn chặn được nạn này khi cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế vẫn trực tiếp xuống DN. Đặc biệt khi họ vào DN mà lại không để lại dấu vết gì như biên bản và nhật ký kiểm tra, thanh tra không được công khai trên cổng thông tin ngành thuế.
"DN vẫn vui vẻ chi trả chi phí đen cho thấy là DN cũng có lợi, một bộ phận cán bộ có lợi và chỉ ngân sách nhà nước là bị thiệt hại khi tiền thuế bị chung chia, không được thu đúng thu đủ theo quy định", chuyên gia này nhấn mạnh.
DN lớn bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn
Về thanh tra, kiểm tra thuế, ông Tuấn cho biết kết quả khảo sát năm nay không khác so với năm 2016 nhiều lắm khi những DN càng kinh doanh lâu năm, quy mô lớn thì lại càng bị cơ quan thuế "thăm" nhiều hơn. Trên thực tế, DN kinh doanh lâu năm có kinh nghiệm hơn và với quy mô lớn thì đầu tư bài bản, song họ lại bị ngành thuế thanh tra, kiểm tra nhiều hơn.
"Đây cũng là lưu ý đối với chính sách chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN khi bị thanh tra, kiểm tra. Đáng lẽ cơ quan nhà nước phải chào đón DN khi lên hoạt động chính thức. Nhưng nếu thanh tra, kiểm tra nhiều thì họ không muốn lên DN", ông Tuấn khuyến cáo.
Đặc biệt, cũng theo ông Tuấn, kết quả báo cáo ghi nhận tới 85-93% DN bị truy thu thuế khi bị thanh tra, kiểm tra. Điều lo ngại là có tâm lý cho rằng cán bộ thuế khi thanh tra, kiểm tra thường suy đoán theo hướng gây bất lợi cho DN.
Ngoài việc trả chi phí đen, ông Tuấn cho biết DN còn chật vật đề nghị được hoàn thuế. Hoàn thuế là thủ tục mà DN cho biết là khó khăn nhất.
Nêu thực tế, bà Thảo cũng cho hay có DN than phải đóng cửa, không thể kinh doanh nữa khi bị chậm hoàn thuế lên đến cả tỉ đồng.
Cộng đồng DN đánh giá ngành thuế cung cấp thông tin khá bài bản cho DN trong nhiều năm nay. Thông tin đơn giản, dễ hiểu, sẵn có, dễ tìm. DN không chỉ tiếp cận thông tin chính sách thuế qua buổi tập huấn, website… mà còn qua mạng xã hội. Tuy nhiên, đối với một số chính sách thuế, DN rất khó dự đoán như đối với công nghiệp hỗ trợ. Điểm sáng trong cải cách chính sách, thủ tục của ngành thuế trong năm 2019, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, đánh giá là việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế. Thuế điện tử triển khai sâu rộng đến DN. Ngoài ra, cộng đồng DN cũng đánh giá kỷ cương tác phong nghiệp vụ cán bộ thuế có cải thiện khi sự phục vụ của của công chức thuế tăng 1,5 điểm so với năm 2016. Việc nộp thuế đã rất phổ biến với DN khi 98,4% DN trong báo cáo khảo sát cho biết đã khai thuế điện tử; 96,8% DN đăng ký nộp thuế; còn đã nộp thuế điện tử là 92% DN. 100% DN đều cho biết thuế điện tử giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, tra soát đối chiếu thông tin thuận lợi... Tuy nhiên, đường truyền hay bị tắc nghẽn khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. |
Lê Thanh (TTO)