Nổi bật là Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5-2-2025 với chủ trương “khoán tăng trưởng” cho các ngành, lĩnh vực và địa phương được Quốc hội đánh giá cao.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đánh giá cao 5 nhóm giải pháp lớn do Chính phủ trình nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Theo đó, giải pháp giải ngân nguồn vốn đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng, tương đương 6,8% GDP năm 2024 được Quốc hội phê duyệt; tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng; chương trình mục tiêu quốc gia đến các giải pháp “đột phá” về cải cách thể chế, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…
Song, đa số đại biểu đều cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế đất nước nên cần tập trung các giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn để thành phần kinh tế này phát triển đúng với tiềm năng của nó.
Số liệu thống kê năm 2023 cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm khoảng 46% GDP, hơn 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, sử dụng khoảng 85% tổng số lao động, đóng góp khoảng 30% cho ngân sách và khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Phát biểu thảo luận tại tổ vào chiều 14-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Việc điều chỉnh mục tiêu GDP trên 8% trong năm nay là yêu cầu khách quan nhằm đạt mục tiêu đưa ra tại Đại hội XIII và trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Song, Thủ tướng thừa nhận đây cũng là thách thức lớn khi bình quân tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay ở mức thấp (gần 3%) và khu vực ASEAN là 4-4,5%, nhưng “khó mấy cũng phải làm”.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao.
Do đó, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa (thuế, phí, tăng thu, tiết kiệm chi...) để tạo không gian thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ xác định “phấn đấu năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%”.
Muốn làm được điều đó, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần có cơ chế để “hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể” hiện nay lớn lên, cùng với hơn 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động trở thành một cánh đồng có hàng “triệu doanh nghiệp” đủ sức hấp thụ khoa học công nghệ và những tiến bộ mới, những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Mục tiêu tăng trưởng GRDP của 63 địa phương

Gia Lai: Triển khai nhiệm vụ, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên
Ngoài ra, để GDP tăng trưởng 8%, Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 16%. Nhưng làm sao gỡ những “nút thắt” về cơ chế để khối kinh tế tư nhân hấp thụ được nguồn vốn tín dụng này đẩy mạnh sản xuất kinh doanh mà không làm tăng nguy cơ nợ xấu là vấn đề cần đặt ra và phải giải quyết.
Giới phân tích chỉ ra rằng, cùng với việc tăng đầu tư công, cần quan tâm đến các dự án đầu tư của khu vực tư nhân. Cần đánh giá chính xác hơn những khó khăn của khu vực kinh tế tư nhân trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực xuất khẩu, giúp họ chủ động chống chịu trước những biến động của thị trường thế giới.
Một giải pháp lớn, căn cơ nữa là cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bằng một nghị quyết hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị “cần đặt mục tiêu tăng trưởng đầu tư tư nhân lên 2 con số. Bởi nếu đầu tư tư nhân chỉ tăng trưởng 7-9% sẽ rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng chung”.
“Khoán tăng trưởng” nhưng phải gắn liền với cơ chế thuận lợi để “thúc” tư nhân bỏ vốn đầu tư phát triển. Đó mới là giải pháp quan trọng để kinh tế tư nhân đóng góp xứng đáng vào tăng trưởng chung của đất nước.