Chính trị

Tin tức

110 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai đạt chuẩn nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 22-6, tại Hội trường 2-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 -CT/TU, ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9 (TP. Pleiku) có một số Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (đang công tác tại các cơ quan cấp tỉnh); đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh và Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh.

Hội nghị được kết nối tới 199 điểm cầu cấp xã, cấp huyện với đại biểu là Thường trực Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Đảng ủy xã, phường, thị trấn; Ủy viên Ban Chấp hành các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Đảng ủy cấp xã; các phòng, ban chuyên môn cấp huyện và cán bộ, công chức phụ trách xây dựng nông thôn mới cấp xã.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là mô hình mang tính đặc trưng riêng của tỉnh Gia Lai và được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ ưu tiên gắn với lộ trình phấn đấu xã đạt chuẩn NTM. Giai đoạn 2018-2022, có 206 thôn, làng đồng bào DTTS trong tổng số 968 thôn, làng đồng bào DTTS toàn tỉnh đăng ký đạt chuẩn NTM. Các làng đăng ký đạt chuẩn NTM được các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn rà soát thực trạng, xây dựng kế hoạch thực hiện hoàn thành đạt chuẩn các tiêu chí; có giải pháp huy động các nguồn lực kinh phí và phân công nhiệm vụ phụ trách tiêu chí, phụ trách làng để triển khai thực hiện.

Trong 5 năm, các địa phương đã huy động hơn 1.500 tỷ đồng để triển khai thực hiện xây dựng NTM trong vùng đồng bào DTTS. Trong đó, ngân sách nhà nước gần 1.300 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp hỗ trợ gần 24 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp trên 153 tỷ đồng; vốn tín dụng 43,5 tỷ đồng. Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, phong trào xây dựng NTM trong làng đồng bào DTTS đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, tạo sức lan tỏa rộng khắp. Theo đó, người dân đã hiến 400.830 m2 đất ở, đất vườn và tham gia 96.411 ngày công để tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, làm nhà rông văn hóa, nhà ở, các công trình phụ trợ; chủ động di dời chuồng trại, đào hố rác, trồng cây xanh...

Thông qua nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ và các phong trào, cuộc vận động thực hiện xây dựng NTM, diện mạo các làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 110 thôn, làng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM. Để góp phần vào thực hiện xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2761/KH-UBND, ngày 4-12-2019 về triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ thôn, làng đặc biệt khó khăn khu vực biên giới xây dựng NTM giai đoạn 2019-2020 theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch được triển khai thực hiện trên phạm vi 41 thôn, làng của 6 xã biên giới. Kết quả trong 2 năm triển khai thực hiện, có 15/41 thôn, làng đạt chuẩn NTM, trong đó có 12/15 thôn, làng đạt chuẩn NTM thuộc trong danh sách 110 thôn, làng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM của tỉnh giai đoạn 2018-2022.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9. Ảnh: Đức Thụy

Tại hội nghị, đại diện các thôn, làng và các địa phương đã trao đổi, tham luận, đánh giá kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 12; chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2023-2025.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, cùng với ghi nhận, biểu dương những thành tích của các thôn, làng đạt chuẩn NTM, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đã biểu dương Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh trong việc quan tâm, đồng hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12. Đồng thời chỉ rõ các tồn tại, hạn chế và đề nghị các ban, ngành, đoàn thể, địa phương rút kinh nghiệm, sớm có giải pháp để khắc phục.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Chỉ thị 12 là mô hình đặc trưng riêng của tỉnh, do đó cấp ủy, chính quyền các cấp cần quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện trong thời gian tới. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào DTTS và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, thường xuyên, liên tục và thực chất. Xây dựng làng NTM không chỉ là điện, đường, sắp xếp nhà ở mà phải là làng có con em trong độ tuổi đến trường phải được đi học; người dân đau ốm phải được điều trị; phải có môi trường tốt, đời sống người dân được nâng lên và không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...”.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các địa phương huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, các phong trào, cuộc vận động trên địa bàn để xây dựng làng NTM. Đồng thời tranh thủ hỗ trợ của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để tạo nguồn lực tổng hợp trong xây dựng làng NTM và tạo điều kiện hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Các sở, ban ngành của tỉnh tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương triển khai thực hiện và đánh giá các tiêu chí của ngành quản lý; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét.

MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, các tổ chức quần chúng theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan tăng cường giám sát, huy động sức mạnh toàn dân và huy động mọi nguồn lực để cùng chung tay góp sức xây dựng làng NTM; tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; thường xuyên đổi mới phương thức tổ chức thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện và biểu dương, khen thưởng nhân rộng những điển hình tiên tiến

Đối với người dân ở các làng đồng bào DTTS, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị cần phát huy vai trò chủ thể, chủ động tham gia thảo luận, quyết định và tổ chức thực hiện xây dựng làng NTM, xây dựng khu dân cư xanh-sạch-đẹp, có kinh tế-xã hội phát triển, an ninh trật tự đảm bảo, đoàn kết thống nhất, cộng đồng trách nhiệm, phát huy bản sắc văn hóa để cùng nhau xây dựng đời sống mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (thứ 5 từ phải qua) tặng bằng khen cho các tập thể. Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (thứ 5 từ phải qua) tặng bằng khen cho các tập thể. Ảnh: Đức Thụy

Dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen 12 tập thể và 16 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng làng NTM trong vùng ĐBDTTS từ năm 2018 đến năm 2022.

Có thể bạn quan tâm