Thời sự - Sự kiện

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên: Phải có giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Ngày 6-6, Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai tổ chức phiên giải trình giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh nhằm làm rõ những vướng mắc đối với các dự án đầu tư công chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến 2023.

Chủ trì phiên giải trình có các ông, bà: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Tham dự phiên giải trình có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: Trần Dung

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: Trần Dung

Báo cáo tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho biết: Năm 2021, giá trị giải ngân kế hoạch vốn của tỉnh trên 3.000 tỷ đồng, đạt 85,05% kế hoạch vốn đã giao; năm 2022 là hơn 2.500 tỷ đồng, đạt 75,66% kế hoạch vốn đã giao. Riêng năm 2023, tổng nguồn vốn được Thủ tướng Chính phủ giao là trên 4.461 tỷ đồng; tính đến ngày 26-5, tỉnh đã phân bổ hơn 4.420 tỷ đồng; giá trị giải ngân là 387,179 tỷ đồng, đạt 9,61% kế hoạch vốn đã giao. Ngoài ra, tình hình giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cũng chậm so với kế hoạch. Cụ thể, năm 2023, tổng kế hoạch đầu tư 3 chương trình MTQG là 826,4 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được hơn 25 tỷ đồng, đạt 3,03%.

“Mặc dù công tác đầu tư xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2021-2023 được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả giải ngân chưa cao, còn nhiều dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân như: cơ chế chính sách còn vướng các quy định về đơn vị lập hồ sơ đề xuất, quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng, giấy phép môi trường… Cùng với đó, việc hụt thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất năm 2022 và 2023 làm cho nhiều công trình sử dụng nguồn vốn này đã có khối lượng thực hiện nhưng không có nguồn vốn để thanh toán; đơn giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại một số địa phương chưa được triển khai quyết liệt; việc triển khai thủ tục đầu tư của chủ đầu tư và một số cơ quan, đơn vị liên quan chậm; năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin.

Lãnh đạo tỉnh và TP. Pleiku thực hiện nghi thức khởi công Dự án đường Nguyễn Văn Linh. Ảnh: Minh Triều

Lãnh đạo tỉnh và TP. Pleiku thực hiện nghi thức khởi công Dự án đường Nguyễn Văn Linh. Ảnh: Minh Triều

Tại phiên giải trình, các đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng địa phương, đơn vị, tập thể, cá nhân trong việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm; làm rõ vướng mắc, khó khăn ở đâu để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ. Ông Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku-cho rằng: “Ủy ban nhân dân tỉnh cần làm rõ những bất cập và tồn tại đối với các dự án đầu tư công chậm tiến độ để có hướng khắc phục, mang lại lợi ích cho người dân. Việc đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, cấp thiết của địa phương”.

Liên quan đến giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 còn chậm, ông Nguyễn Đình Phương-Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh-đề nghị: “Năm 2023, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn chậm so với tiến độ đề ra, nhất là các dự án thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19 và các dự án trọng điểm của địa phương; công tác đền bù giải phóng mặt bằng chưa được quan tâm đúng mức; thu tiền sử dụng đất không đạt kế hoạch; việc triển khai các chương trình MTQG còn gặp nhiều khó khăn… Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án”.

Ông Nguyễn Đình Phương-Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh nêu khó khăn trong việc giải ngân vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Trần Dung

Ông Nguyễn Đình Phương-Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh nêu khó khăn trong việc giải ngân vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Trần Dung

Nhằm phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đạt 95-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương; giải ngân 100% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình MTQG được giao trong năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nêu giải pháp: Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và năm 2023, các sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư khẩn trương rà soát, phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý. Trong đó, lựa chọn đúng các điểm nghẽn, nút thắt để tập trung giải quyết, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả, tác động rõ rệt.

Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, từng quý. Đối với việc thực hiện 3 chương trình MTQG, các sở, ban, ngành chủ động liên hệ với các bộ, cơ quan trung ương chủ quản, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Phát biểu tại phiên giải trình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên cho biết: Mục đích của phiên giải trình lần này là tập trung làm rõ những nguyên nhân và trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đến việc chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công từ năm 2021 đến nay. Từ đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Quang cảnh phiên giải trình giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh. Ảnh: Trần Dung

Quang cảnh phiên giải trình giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh. Ảnh: Trần Dung

Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến kết quả thực hiện các dự án đầu tư công năm 2023 rất chậm. Nhiều vấn đề tồn tại, thách thức đặt ra cần phải có quyết tâm chính trị cao, giải pháp đột phá để khắc phục và thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Do đó, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, giá nguyên vật liệu; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án, không để mất vốn. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục rà soát các quy định về đầu tư công, có kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy định của pháp luật có liên quan đến đầu tư công theo hướng đơn giản hóa trình tự, thủ tục. Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án phải đi đôi với hiệu quả, chất lượng.

“Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh sẽ ban hành kết luận làm cơ sở để UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khắc phục những hạn chế, bất cập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”-Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm