Kinh tế

Doanh nghiệp

1/3 máy bay toàn cầu nằm đất trong tháng cao điểm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giới phân tích lo ngại xu hướng giải cứu và quốc hữu hóa các hãng hàng không do đại dịch COVID-19. Khoảng1/3 máy bay toàn cầu phải nằm đất trong tháng cao điểm du lịch và 70 hãng hàng không dự kiến sụp đổ trong năm nay.

Sự dư thừa máy bay sẽ trở thành gánh nặng cho các hãng hàng không - Ảnh: REUTERS
Sự dư thừa máy bay sẽ trở thành gánh nặng cho các hãng hàng không - Ảnh: REUTERS


Tính đến ngày 18-8, gần 400 chiếc máy bay nằm la liệt ở Trung tâm hàng không quốc tế Roswell, New Mexico, theo công ty phân tích hàng không Cirium của Anh. Nhiều hãng hàng không của Mỹ đang đậu máy bay tại Roswell với phí từ 10 đến 14 USD/ngày.

Tương tự trên toàn cầu, các hãng phải giảm chuyến bay do dịch COVID-19 và gửi máy bay đến các "bãi tha ma" như Roswell.

Theo Cirium, tính đến giữa tháng 8-2020, khoảng 8.600 máy bay, chiếm 1/3 máy bay toàn cầu, phải nằm đất.

Trong khi đó, nhu cầu du lịch chưa thể phục hồi nhanh chóng. Theo dữ liệu của công ty thông tin hàng không anh OAG, dù châu Âu đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại, số chuyến bay quốc tế tại khu vực này trong tuần thứ 3 của tháng 8-2020 vẫn thấp hơn 60% cùng kỳ năm ngoái.

Giám đốc điều hành Carsten Spohr của hãng Lufthansa ước tính 200 trên 760 máy bay của hãng này sẽ nằm đất đến 2022. Giám đốc David Calhoun của Boeing cũng không lạc quan hơn, cho rằng nhu cầu hàng không phải mất đến 3 năm để phục hồi.

Sự thừa mứa máy bay sẽ trở thành gánh nặng cho ngành hàng không. Công ty tư vấn hàng không IBA cho biết đến nay đã có 34 hãng hàng không đã phá sản trên toàn cầu và đến hết năm nay sẽ tăng lên 70.

Các công ty cho thuê máy bay cũng lao đao bởi các hãng hàng không đang đòi giảm giá thuê. "Tất cả các hãng hàng không toàn cầu đang yêu cầu giảm giá thuê", một công ty cho thuê của Nhật Bản nói với tờ Nikkei Asian Review.

Ngành cho thuê máy bay được coi là một trụ cột của ngành hàng không, nâng đỡ các hãng hàng không giá rẻ. Khoảng một nửa máy bay toàn cầu hiện nay thuộc sở hữu của các công ty cho thuê.

Các đơn đặt hàng máy bay mới đang giảm mạnh. Hơn 500 đơn hàng của các hãng Boeing và Airbus đã bị huỷ kể từ giữa tháng 3-2020. Vụ huỷ đơn lớn nhất là công ty Avolon khi huỷ đặt hàng hơn 100 máy bay trong thời gian dịch.

Tước khi dịch COVID-19 xuất hiện, hơn 4,5 tỉ người đi du lịch trong năm 2019, tăng gấp 3 lần trong hai thập kỷ qua. Sự phát triển này là nhờ sự tư nhân hoá các hãng hàng không nhà nước và bỏ bớt các quy định trong ngành hàng không.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện tại có thể buộc các chính phủ phải ra tay giải cứu các hãng hàng không. Giới phân tích lo ngại xu hướng này sẽ làm tăng ảnh hưởng, kiểm soát của chính phủ và ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành công nghiệp này.

"Chúng ta có thể thấy phần lớn các hãng hàng không đường dài toàn cầu trải qua quá trình quốc hữu hóa từ từ, dẫn đến việc một nhóm hãng hàng không chỉ phục vụ các mục đích của chính phủ", nhà phân tích Mark Manduca của Citigroup nhận định.

Theo TRẦN PHƯƠNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm