Kinh tế

Doanh nghiệp

1.500 doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên được đào tạo kỹ năng thương mại điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO) Chương trình đào tạo với mục tiêu giúp cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ đang có nhu cầu phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn Tây Nguyên.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) vừa tổ chức lễ ký kết và khởi động chương trình “Bệ phóng thương mại điện tử Tây Nguyên” với sự bảo trợ từ Bộ Công thương cùng sự đồng hành của Sở Công thương 5 tỉnh Tây Nguyên.

Theo lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, chương trình “Bệ phóng thương mại điện tử Tây Nguyên” sẽ trở thành điểm khởi đầu cho những hoạt động hỗ trợ chuyên sâu, từ phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kiến thức tới tư vấn, triển khai các hoạt động phát triển TMĐT. Qua đó, những giải pháp hiệu quả về TMĐT sẽ được tiếp cận tới doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn Tây Nguyên đang có nhu cầu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Chương trình sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn cho hơn 1.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên theo hình thức online. 

Tại Gia Lai, thanh toán không dùng tiền mặt đang được ứng dụng rộng rãi trong các giao dịch mua hàng hóa. Ảnh: Vũ Thảo
Tại Gia Lai, thanh toán không dùng tiền mặt đang được ứng dụng rộng rãi trong các giao dịch mua hàng hóa. Ảnh: Vũ Thảo

Bên cạnh đào tạo, tập huấn, Ban tổ chức còn triển khai nhiều buổi tọa đàm liên quan đến các nội dung như: xây dựng doanh nghiệp trên môi trường TMĐT, sàn TMĐT, nền tảng mạng xã hội… nhằm giải đáp những câu hỏi trong quá trình tham gia cũng như phát triển TMĐT của cá nhân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn có triển lãm, giới thiệu những giải pháp, nền tảng, dịch vụ hỗ trợ TMĐT được kỳ vọng đem tới nhiều cơ hội kết nối giữa nhà cung cấp tới chính xác các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn có nhu cầu phát triển TMĐT.

Tại Gia Lai, liên tục trong 2 năm qua, chỉ số TMĐT của tỉnh đều tăng, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố. Để tiếp tục nâng cao chỉ số thương mại điện tử, ngành chức năng của tỉnh Gia Lai đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện với chiến lược phát triển lâu dài, phấn đấu đến năm 2025, chỉ số TMĐT của Gia Lai thuộc nhóm trung bình của cả nước.

Để làm mục tiêu trên, Sở Công thương Gia Lai tiếp tục phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề theo các ngành hàng thế mạnh của tỉnh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm trang bị kiến thức chuyên sâu theo lĩnh vực, kỹ năng, thao tác trên môi trường trực tuyến. Đồng thời, phối hợp với đại diện của các tập đoàn TMĐT uy tín thế giới như Amazon Việt Nam, Alibaba Việt Nam tổ chức hội thảo hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn.

Bên cạnh đó, phối hợp với các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cơ quan quản lý thuế, tuyên truyền phổ biến đến các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng ứng dụng các dịch vụ trên nền tảng di động, thanh toán không dùng tiền mặt.

PHẠM NGỌC (tổng hợp)

 

Có thể bạn quan tâm