Xã hội

2021: Lương công chức, sĩ quan sẽ tăng mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chính sách tiền lương mới sẽ được áp dụng thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ năm 2021, mức thấp nhất bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực DN.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công. Ảnh: Thành Chung
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công. Ảnh: Thành Chung

Nói về đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN trình hội nghị TƯ 7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công cho rằng, phải có quan điểm đúng đắn về chính sách tiền lương, phù hợp với bối cảnh mới.

Trong đó, xác định tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc.

Việc trả lương cho cán bộ, công viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động.

Đồng thời, thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Định kỳ 2-3 năm nâng lương một lần

Đối với khu vực công, Phó Thủ tướng cho hay, chính sách tiền lương được thực hiện theo lộ trình từ năm 2018 đến năm 2020 vẫn áp dụng cái cũ, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo nghị quyết của QH.

Chính sách tiền lương mới sẽ được áp dụng thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị từ năm 2021 với mức thấp nhất bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực DN.

 


Từ năm 2003 đến nay: 11 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung, từ 210.000 đồng lên 1.300.000 đồng/tháng, tăng thêm 519%, cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng cùng kỳ 208,58%.

Định kỳ 2-3 năm, nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng CPI, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của NSNN.

Đến 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân của khu vực DN. Đến 2030, mức này sẽ bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực DN.

Phó Thủ tướng cũng thông tin thêm, thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới bao gồm: Mức lương cơ bản, các khoản phụ cấp; tiền thưởng và ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Trong đó, có 1 bảng lương chức vụ đối với lãnh đạo từ TƯ đến cấp xã và 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công viên chức không giữ chức danh lãnh đạo. Mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương như hiện nay. Còn đối với lực lượng vũ trang có 3 bảng lương khác nhau.

Đáng chú ý là khi chuyển cơ chế lương cũ sang cơ chế lương mới bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.


 

 Đề án Cải cách tiền lương sẽ được thảo luận tại hội nghị TƯ 7.
Đề án Cải cách tiền lương sẽ được thảo luận tại hội nghị TƯ 7.



Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào tiền lương của DN

Đối với khu vực DN, Phó Thủ tướng cho biết, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật của thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Theo đó, Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động.

Việc điều chỉnh nâng mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ do Nhà nước thực hiện nhưng không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN từ năm 2021.

Việc quản lý lao động tiền lương trong DNNN sẽ theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của DN đến năm 2025, tiến tới giao khoán chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của DN vào năm 2030.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sau khi đề án được thông qua tại hội nghị TƯ 7, các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước xây dựng và ban hành văn bản quy định chế độ tiền lương mới khi hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

7 nguồn để tăng lương

- Nguồn từ việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

- Cơ cấu lại thu NSNN.

- Hàng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương.

- Tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hằng năm.

- Nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương còn dư hàng năm được sử dụng để thực hiện cải cách cho các năm sau.

- Cơ cấu lại chi NSNN gắn với cải cách tiền lương, cơ cấu lại chi một số lĩnh vực sự nghiệp công gắn với việc điều chỉnh giá, phí đối với các dịch vụ sự nghiệp công. Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương, khoán quỹ lương, khoán các chế độ ngoài lương (ô tô, nhà ở, khám chữa bệnh...).

- Chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ sự nghiệp công, gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách.

Thu Hằng (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm