Xã hội

235 triệu người trên thế giới cần viện trợ khẩn cấp trong năm 2021

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo báo cáo "Tổng quan về viện trợ nhân đạo toàn cầu" hằng năm của Liên hợp quốc, ước tính có khoảng 235 triệu người trên thế giới cần viện trợ khẩn cấp trong năm 2021, tăng tới 40% so với năm ngoái.

 Người vô gia cư sống tại khu lều tạm để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Lima, Peru. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người vô gia cư sống tại khu lều tạm để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Lima, Peru. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Liên hợp quốc dự báo thế giới cần 35 tỷ USD cho các chương trình viện trợ trong năm 2021. Dự báo được đưa ra trong bối cảnh có thêm hàng chục triệu người rơi vào khủng hoảng do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và nguy cơ nạn đói quay trở lại.

Theo báo cáo "Tổng quan về viện trợ nhân đạo toàn cầu" hằng năm của Liên hợp quốc, ước tính có khoảng 235 triệu người trên thế giới cần viện trợ khẩn cấp trong năm 2021, tăng tới 40% so với năm ngoái.

Điều phối viên về viện trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc Mark Lowcock cho biết sự gia tăng này gần như hoàn toàn là do tác động của đại dịch COVID-19.

Báo cáo ước tính năm 2021, cứ một trong số 33 người trên thế giới cần nhận được viện trợ và nếu tất cả số người này sống trong một quốc gia, đây sẽ là quốc gia đông dân thứ 5 trên thế giới.

Trước đó, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo thường đề cập đến một bức tranh ảm đạm về nhu cầu viện trợ tăng với nguyên nhân chủ yếu là từ xung đột, mất nhà cửa, thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, hiện nay Liên hợp quốc cảnh báo đại dịch COVID-19, đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,45 triệu người trên thế giới, đang tác động đến hàng triệu người vốn đang phải sống trong hoàn cảnh hết sức mong manh.

Ông Lowcock cho rằng: "Bức tranh mà chúng tôi đưa ra là cái nhìn tăm tối và ảm đạm nhất về nhu cầu nhân đạo cho một tương lai mà chúng ta chưa biết sẽ ra sao."

Theo đại diện của Liên hợp quốc, số tiền trên chỉ đủ để trợ giúp 160 triệu người bị tổn thương lớn nhất tại 56 quốc gia trên thế giới.

Không chỉ vấn đề viện trợ, đây cũng là lần đầu tiên kể từ những năm 1990, tình trạng nghèo đói cùng cực gia tăng, tuổi thọ giảm, số người chết hằng năm do HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét có thể tăng gấp đôi. Điều đáng báo động nhất là nguy cơ nạn đói quay trở lại ở nhiều nơi trên thế giới.

Tính đến cuối năm 2020, số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn cầu có thể tăng lên tới 270 triệu, tăng 82% so với mức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Hiện trạng ở Yemen, Burkina Faso, Nam Sudan và Đông Bắc Nigeria cho thấy những nước này đang trên bờ vực của nạn đói, trong khi một loạt quốc gia và khu vực khác, như Afghanistan và vùng sa mạc kéo dài từ miền Đông Sudan đến miền Tây Senegal, cũng "có khả năng rất dễ bị tổn thương."

Ông Lowcock khẳng định: "Nếu chúng ta vượt qua năm 2021 mà không để xảy ra nạn đói lớn, đó sẽ là kỳ tích lớn".

Theo Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm