Kinh tế

Doanh nghiệp

35 năm: Công ty Cao su Mang Yang không ngừng đổi mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thấm thoắt đã 35 mùa cao su rụng lá. Mỗi một vòng cây đều thấm đẫm mồ hôi của bao thế hệ cán bộ, công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang. Nhìn lại chặng đường đã qua, những con người một thời gắn bó với cây cao su ở đây luôn cảm thấy tự hào khi đã góp phần công sức để tạo nên một màu xanh ấm no trên vùng đất cao nguyên đầy nắng gió.
Một thời gian khó
Cách đây 35 năm, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V và Chỉ thị 40 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ngày 4-5-1983 về chủ trương phát triển cây cao su ở các tỉnh Tây Nguyên, ngày 29-10-1983, Tổng cục Cao su Việt Nam chỉ đạo Công ty Cao su Phước Hòa (nay thuộc tỉnh Bình Dương) xây dựng bộ khung nhân sự để nhận nhiệm vụ lên Tây Nguyên vỡ đất trồng cao su. Lúc bấy giờ, ông Lê Khả Thinh nhận trách nhiệm “lĩnh ấn tiên phong” đưa 18 cán bộ và 53 công nhân lên huyện Mang Yang khai hoang phát triển cây cao su. Nhiệm vụ đặt ra khá khẩn trương nên cùng lúc vừa phải hình thành bộ máy tổ chức, vừa triển khai sản xuất, bổ sung nguồn nhân lực.
Khi đặt chân đến huyện Mang Yang, ngoài dải đất bazan rộng lớn, trước mắt 71 cán bộ, công nhân chỉ có đặc sản “ruồi vàng, muỗi bạc, vắt kim cương” và rừng núi thâm u mênh mang. Đã vậy, mọi người còn phải đối mặt với sốt rét rừng hoành hành, hiểm họa trực chờ từ bom đạn, chất độc hóa học sót lại sau chiến tranh, rồi bọn phản động FULRO liên tục chống phá… Lúc này, cán bộ, công nhân Công ty mới cảm nhận hết được vì sao lại có câu “Cao su đi dễ khó về…”. Sau 5 tháng ổn định và phát triển, ngày 6-2-1984, Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su Việt Nam ra Quyết định số 10/QĐ-TCCB thành lập Công ty Cao su Mang Yang.
 Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và lãnh đạo Công ty Cao su Mang Yang thăm vườn cây trồng mới. Ảnh: H.V
Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và lãnh đạo Công ty Cao su Mang Yang thăm vườn cây trồng mới. Ảnh: H.V
Công ty được thành lập cũng là thời kỳ đất nước bước vào thực hiện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Ngoài khó khăn trong quá trình chuyển đổi theo cơ chế mới, việc triển khai phát triển cây cao su trên một địa bàn rộng lớn, mật độ dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, đường sá đi lại vô cùng khó khăn cũng là một thử thách lớn đối với Công ty. Trong 10 năm đầu tiên (1984-1994), Công ty đã được Tổng cục Cao su Việt Nam đầu tư 25 tỷ đồng với mục tiêu phát triển 3.278 ha cao su. Đất không phụ công người, đến năm 1994, Công ty đã đưa vào khai thác hơn 370 ha cao su, xây dựng được một xưởng chế biến nhỏ với công suất 500 kg/ca. Thời điểm đó, toàn thể cán bộ, công nhân Công ty vỡ òa trong hạnh phúc với niềm tin mãnh liệt về một tương lai tươi sáng của dòng nhựa trắng trên mảnh đất cao nguyên này. Chưa dừng lại ở đó, với nỗ lực của các cán bộ, công nhân, đến năm 2001, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty đã mở rộng diện tích cao su lên trên 5.700 ha, đưa vào khai thác hơn 3.500 ha.
Hành trình tìm kiếm quỹ đất mở rộng diện tích cao su
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) về đổi mới và sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước và Quyết định số 1992/QĐ/BNN-TCCB ngày 17-5-2001 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc sáp nhập Công ty Cao su Chư Sê II vào Công ty Cao su Mang Yang, tổng diện tích cao su của Công ty đã tăng lên 7.728 ha. Sau khi sáp nhập, Công ty đã nhanh chóng củng cố bộ máy tổ chức sản xuất, chú trọng công tác cán bộ, công tác quản lý. Đây là giai đoạn Công ty có những bước phát triển vượt bậc, toàn diện trên mọi lĩnh vực.
 Thống tướng Châu Va Ly trao Huân chương Hữu nghị của Hoàng gia Campuchia cho lãnh đạo Công ty. (Ảnh tư liệu)
Thống tướng Châu Va Ly trao Huân chương Hữu nghị của Hoàng gia Campuchia cho lãnh đạo Công ty. (Ảnh tư liệu)
Có được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Công ty đã mạnh dạn đề ra lộ trình thực hiện mục tiêu chiến lược gồm: “Mở rộng quy mô, tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất lao động, mở rộng ngành nghề, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường mở rộng thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm…”. Năm 2007, Công ty bắt đầu tìm kiếm, khảo sát những vùng đất mới có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển và mở rộng diện tích trồng cao su. Sau bao ngày khổ công vất vả, nhiều lúc tưởng chừng như bỏ cuộc, bế tắc trong việc tìm kiếm dự án, bên cạnh đó là khó khăn chồng chất của việc phát triển cao su trên đất nước Chùa Tháp theo thỏa thuận của 2 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Campuchia, với sự quyết tâm, đoàn kết, thống nhất và kiên định, Công ty đã mở rộng được thêm 5.200 ha tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Mom Ray). Năm 2010 là năm đầu tiên Công ty trồng cây cao su trên đất Campuchia với diện tích 802 ha. Đến năm 2013, Công ty đã hoàn tất thủ tục thuê đất, chuẩn bị giống và lực lượng lao động cần thiết để trồng 7.750 ha cao su tại tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia (Công ty TNHH Phát triển Cao su Hoàng Anh Mang Yang K). Ngoài ra, Công ty còn đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến gỗ với công suất 10.000 m³ gỗ xẻ/năm. Hiện nay, tổng diện tích cao su do Công ty quản lý là gần 21.000 ha trải dài trên 3 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum và Ratanakiri (Campuchia).
Cùng địa phương vững bước đi lên
Với những thành tích đã đạt được trong 35 năm qua, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhì và hạng ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân của Công ty được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh, huyện tặng bằng khen, giấy khen và cờ thi đua. 

Sau 35 năm xây dựng và phát triển, vượt lên bao khó khăn, vất vả, cả mồ hôi, nuớc mắt và xương máu đã đổ xuống, với sự đoàn kết, quyết tâm nỗ lực của tập thể lãnh đạo và các thế hệ cán bộ, công nhân viên cùng sự chỉ đạo sâu sát, kiên quyết của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, huyện Đak Đoa, Mang Yang và Chư Sê, tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Cao su Mang Yang đã đồng tâm hiệp lực, đoàn kết một lòng phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, đời sống-xã hội mà Tập đoàn giao hàng năm. Đến cuối năm 2018, Công ty đã có 21.000 ha cao su trồng trong nước và tại Campuchia; sản lượng khai thác đạt 100.000 tấn mủ quy khô; tổng doanh thu đạt gần 4.000 tỷ đồng; lợi nhuận 653 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 308 tỷ đồng; chi cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn 20 tỷ đồng. Tiền lương bình quân của người lao động trong Công ty 10 năm gần đây đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Công ty cũng đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cơ sở hạ tầng giao thông ở các vùng trồng cao su được Công ty quan tâm đầu tư, giúp bộ mặt nông thôn nơi đó phát triển, được địa phương đánh giá cao.
Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng được Công ty đặc biệt quan tâm. Công ty là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp cho địa phương trong những năm qua. Khi tỉnh, huyện cần huy động lực lượng, Công ty luôn sẵn sàng đáp ứng. Ngoài ra, đơn vị đã làm tốt công tác dân vận với phương châm “Công ty gắn với huyện, nông trường gắn với xã, tổ đội gắn với thôn, làng”, kết nghĩa với các đơn vị công an, quân đội trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum và tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia), góp phần bảo vệ an ninh biên giới, tô thắm tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam, Campuchia.
Song song với công tác chỉ đạo sản xuất kinh doanh, Công ty thường xuyên quan tâm củng cố và phát triển các tổ chức Đảng. Từ chỗ chỉ có 1 chi bộ với 3 đảng viên trực thuộc Đảng bộ huyện Mang Yang, đến nay, Đảng bộ Công ty đã có 12 chi bộ trực thuộc với 280 đảng viên. Từ năm 2004 đến năm 2018, Đảng bộ Công ty luôn giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh.
Nhìn lại những thành tích đã đạt được trong 35 năm qua, cán bộ, công nhân của Công ty qua các thời kỳ luôn cảm thấy tự hào. Đó là điểm tựa để Công ty vươn tới tầm cao mới trong tương lai.
Hạ Vy

Có thể bạn quan tâm