Đến bây giờ, đại úy Trịnh Thành Tuyên vẫn nhớ thời điểm tháng 3.1986 chia tay vợ con lên chốt lần thứ 3.
Thượng tướng Đoàn Khuê, Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN thăm bộ đội sư đoàn 312 vừa hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở Vị Xuyên - Ảnh: Tư liệu |
“Vợ im lặng, mắt đỏ hoe. Con gái 2 tuổi thì ôm chặt đòi bố ở nhà. Vẫn biết bước chân lên xe là đi vào nơi gian khổ vất vả, sống chết trong chớp mắt. Nhưng mặt trận ở phía trước. Nhiệm vụ người lính phải ra đi”, anh Tuyên nói vậy.
Người trẻ tìm đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên - Ảnh: Mai Thanh Hải |
Đã là lính chốt thì không bỏ chốt
Đại úy Trịnh Thành Tuyên (nguyên chính trị viên đại đội 11, tiểu đoàn 9, trung đoàn 818, sư đoàn 314) tham gia quân ngũ 15 năm nhưng có tới 3 lần chốt giữ “lò vôi thế kỷ Vị Xuyên”. Lần đầu tiên là tháng 2.1979. Lần thứ 2 từ tháng 4 - 9.1984, anh Tuyên chốt giữ đồi Không Tên. Lần thứ 3 anh trở lại là tháng 3.1986. “Trước khi lên chốt, tôi tranh thủ ghé thăm vợ đang công tác tại ngân hàng H.Bắc Quang (nay là Hà Giang). Do là bộ đội biên giới nên cơ quan ưu tiên cho ở trong gian nhà cót ép mỗi chiều khoảng 2,5 m. Sau 2 ngày ở nhà ôm con gái 2 tuổi, tôi khoác ba lô ra quốc lộ 2 đón xe. Vợ thì im lặng, mắt đỏ hoe. Con gái ôm chặt cổ đòi bố ở nhà. Mọi người trong cơ quan vợ ra tiễn và cho quà nhưng tôi chỉ nhận mấy cây thuốc lá. Hồi ấy, mỗi ngày đều có những chuyến xe chở thương binh về tuyến sau, người cụt tay, người băng kín hết đầu hết mặt. Cứ xe thương binh qua phố là bà con lại bắt dừng để cho tiền, bánh kẹo”, đại úy Tuyên không bao giờ quên.
Lên chốt, anh Tuyên nhận nhiệm vụ chính trị viên đại đội vận tải của trung đoàn 818. Nơi ở của đơn vị đối diện đài quan sát 1030 của địch nên các khẩu pháo sẵn sàng bắn thẳng vào khi phát hiện ánh sáng trong đêm. Lính vận tải thì phải gùi hàng dưới kho lên chốt, từ lúc nhọ mặt người cho đến tảng sáng. “Vất vả nhất là những khi có thương binh. Tải thương khác với tải hàng, phải nhẹ nhàng không làm bộ đội đau. Nhiều chiến sĩ vận tải vừa cõng thương binh vừa khóc. Tôi cũng chết hụt mấy lần, nhưng cứ lên đến chốt, thấy cực khổ là bắt mình hoàn thành nhiệm vụ”, anh Tuyên nhớ lại.
Cựu chiến binh sư đoàn 356 tìm được chiếc mặt nạ phòng độc khi thăm lại chiến trường Vị Xuyên |
Ông Trương Công Nhỏ, nguyên Phó tiểu đoàn trưởng thuộc trung đoàn 567 (sư đoàn 326) chốt giữ đồi Đài và Cô Ích (mắt xích của mặt trận Vị Xuyên) từ tháng 3.1985. Đầu tháng 5.1984, phía Trung Quốc đánh lên trận địa liên tục trong 4 ngày đêm, khiến quân ta hy sinh nhiều, số còn lại hết thảy đều bị thương hoặc kiệt sức. Mặc dù bị thương một bên mắt, người dính nhiều mảnh cối, ông Nhỏ vẫn rành rọt gọi sư đoàn lên chi viện.
|
Trong các trận trên đồi Đài, Cô Ích, bộ đội ta đều bật lưỡi lê sẵn sàng giáp lá cà với lính Trung Quốc. Cuộc chiến đấu trên trận địa này ác liệt và nổi tiếng đến mức cứ thấy bộ đội Vị Xuyên về là người dân TX.Hà Giang xúm lại hỏi thăm về đơn vị chốt giữ. Ai chiến đấu ở đồi Đài và đồi Cô Ích về mua hàng đều không phải trả tiền. Một số các bà các mẹ bán hàng xén còn gói những bọc quà đựng kim chỉ, khăn lau mặt, quần đùi, áo lót gửi lên cho bộ đội ở trận địa. “Hồi ấy, tôi còn được các bà các mẹ dưới Hà Giang gọi là Nhỏ Xồm (do trên chốt vài tháng không cắt tóc cạo râu) và gửi kéo cắt tóc, dao cạo râu lên tận nơi, khen ngợi: Ác liệt vậy mà vẫn chỉ huy bộ đội trụ vững”, ông Nhỏ cười kể.
Cựu chiến binh Vị Xuyên tìm về trận địa xưa |
Giữ từng vách đá
Thiếu tướng Hoàng Văn Toái (nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng quân khu 2, nguyên chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Hà Giang) chia sẻ, sau chiến dịch MB-84, quân khu 2 chuyển cách đánh vây lấn và giao sư đoàn 313, 356 giành lại điểm cao 685, bình độ 300, 400. Từ 18.11.1984, trung đoàn 14 bắt đầu đào hào lấn vào bình độ 300. Gần 2 tháng bao vây, tập kích, đánh lấn rất khó khăn nhưng đến đầu tháng 1.1985, ta đã giành lại được một số khu vực, hình thành thế phòng ngự xen kẽ tại khu nhà Cót Ép, tiếp tục bám sát ngăn chặn địch ở đồi Cây Chuối, đồi Đài, đồi Cô Ích, A5, A6. “Cuộc chiến đấu giành giật từng thước đất, từng mô đá diễn ra quyết liệt, có nơi ta với đối phương cách nhau chỉ 15 - 20 m, cá biệt như A5 không đến 15 m”, thiếu tướng Toái rành rẽ: “Đầu tháng 3.1985, phía Trung Quốc thay quân và mở các đợt tiến công lớn vào các điểm phòng ngự, hòng đẩy ta xuống phía nam suối Thanh Thủy, nhưng không được. Từ ngày 8 - 13.3.1985, chúng tập kích đồi Cây Chuối, đồi Đài, đồi Cô Ích và A5. Do bị bất ngờ trong đêm tối, ta bị đẩy ra khỏi đồi Cây Chuối và A5, các điểm khác ta vẫn giữ vững”.
Cuối 1989, sư đoàn 313 bàn giao lại trận địa phòng ngự cho bộ đội địa phương Hà Tuyên. Phía Trung Quốc cũng liên tục đổi quân, tiến công hòng đẩy ta xuống phía nam suối Thanh Thủy nhưng đều thất bại. Sau đó chúng giảm dần các hoạt động tiến công lấn chiếm, cuối tháng 12.1988 chúng ngừng bắn phá và tháng 3.1989, lần lượt rút khỏi các vị trí trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Mai Thanh Hải (thanhnien)