Sức khỏe

4 dấu hiệu cảnh báo kháng insulin liên quan đến tiểu đường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một người có thể bị kháng insulin trong nhiều năm mà không biết. Nguyên nhân là do kháng insulin không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng kể nào. Kháng insulin kéo dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là tiền tiểu đường và tiểu đường loại 2.

Insulin là loại hoóc môn do tuyến tụy tiết ra. Nhờ có insulin mà đường glucose trong máu mới có thể đi vào và cung cấp năng lượng cho tế bào. Khi bị kháng insulin, cơ thể sẽ phản ứng kém với loại hoóc môn này, khiến không thể đưa đường glucose vào tế bào một cách hiệu quả. Hệ quả là làm đường huyết tăng cao, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Mỡ nội tạng tích tụ nhiều ở vùng bụng sẽ làm thay đổi cân bằng nội tiết trong cơ thể, từ đó có thể gây ra tình trạng kháng insulin. Ảnh: PEXELS

Mỡ nội tạng tích tụ nhiều ở vùng bụng sẽ làm thay đổi cân bằng nội tiết trong cơ thể, từ đó có thể gây ra tình trạng kháng insulin. Ảnh: PEXELS

Kháng insulin sẽ được phát hiện dễ dàng khi xét nghiệm máu để kiểm tra đường huyết. Một số dấu hiệu cảnh báo tình trạng kháng insulin gồm:

Tăng mỡ nội tạng

Mỡ nội tạng tích tụ nhiều ở vùng bụng sẽ làm thay đổi cân bằng nội tiết trong cơ thể, từ đó có thể gây ra tình trạng kháng insulin. Mỡ quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm trong cơ thể.

Không những vậy, mỡ nội tạng còn tiết ra protein adipokine, có tác dụng làm giảm độ nhạy insulin của các mô gan và cơ.

Mụn thịt dư

Mụn thịt dư hay còn gọi là u mềm treo. Chúng là những khối da nhỏ, mềm, có màu tương tự như màu da. Các chuyên gia cho biết mụn thịt dư ở vùng cổ, nách có liên quan đến tình trạng kháng insulin.

Mụn thịt dư thường phát triển khi cơ thể bị kháng insulin. Nguyên nhân là do kháng insulin cung cấp điều kiện thuận lợi để các nguyên bào sợi biểu bì sinh sôi, cuối cùng hình thành mụn thịt.

Mức chất béo trung tính cao

Kháng insulin có thể khiến nồng độ chất béo trung tính tăng cao. Người mắc chỉ có thể phát hiện bằng cách xét nghiệm máu. Chất béo trung tính cao có thể gây xơ vữa động mạch, từ đó làm tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ và một số bệnh tim mạch khác.

Mức cholesterol "tốt" HDL thấp

Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy mức cholesterol "tốt" HDL thấp có liên quan đến kháng insulin. Cholesterol HDL đóng vai trò rất quan trọng với quá trình điều chỉnh lượng cholesterol trong máu. Cụ thể, cholesterol HDL sẽ giúp đưa các cholesterol dư thừa ở nhiều nơi trong cơ thể về gan để xử lý.

Để ngăn ngừa kháng insulin, mọi người cần thường xuyên tập thể dục và ăn uống theo hướng lành mạnh hơn. Đặc biệt, các chuyên gia khuyến cáo cần bỏ rượu bia vì đây là yếu tố gây kháng insulin và nhiều vấn đề sức khỏe khác, theo Healthline.

Có thể bạn quan tâm