Tuyến metro số 1, cầu Thủ Thiêm 2, cầu Cát Lái, nút giao An Phú và đường Vành đai 2 là những công trình sau khi hoàn thành kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt giao thông, giúp Thành phố Thủ Đức nhanh chóng phát triển.
Tuyến metro số 1
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng vốn đầu tư 43.700 tỉ đồng, dài 19,7km với đoạn đi ngầm dài 2,6 km đi trên cao 17,1 km. Toàn tuyến metro số 1 có 14 nhà ga thì có tới 10 ga nằm xuyên qua Thành phố Thủ Đức, bắt đầu từ cầu Sài Gòn chạy dọc tới depot Long Bình.
Tính đến cuối đầu tháng 2.2021, tuyến metro này đã hoàn thành hơn 82% khối lượng.
Tàu metro số 1 trên đường ray Depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức) hồi tháng 10.2020. Ảnh: Minh Quân |
Đầu tháng 10.2020, đoàn đầu tàu tiên từ Nhật Bản đã cập cảng Khánh Hội và được đưa về Depot Long Bình. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển quan trọng của dự án từ giai đoạn xây dựng sang giai đoạn thử nghiệm - vận hành.
Ba toa tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 có sức chở 930 khách, tốc độ tối đa 110 km/giờ khi đi trên cao và 80 km/ giờ khi chạy ngầm.
Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (chủ đầu tư), trong quý 4.2021 metro số 1 sẽ vận hành thử đoạn trên cao từ Bình Thái về depot Long Bình (đoạn ở Thành phố Thủ Đức) và tiến đến vận hành thử toàn tuyến cuối năm 2021.
Tuyến metro số 1 khi đưa vào khai thác sẽ chở lượng lớn hành khách từ Thành phố Thủ Đức, Bình Dương, Đồng Nai ra vào trung tâm TPHCM, góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ.
Cầu Thủ Thiêm 2
Cầu Thủ Thiêm 2 được đánh giá có vai trò quan trọng với giao thông TPHCM khi kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức) với trung tâm thành phố.
Cây cầu này cũng giúp liên kết mạng lưới giao thông giữa TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, giải quyết được một phần bức bách nâng cấp hạ tầng cơ sở trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án cầu Thù Thiêm 2 đã thi công đạt khoảng 70% khối lượng. Ảnh: Minh Quân |
Cầu Thủ Thiêm 2 được thiết kế có quy mô 6 làn xe với tổng chiều dài 1.465m và được khởi công năm 2015 với tổng vốn đầu tư là 3.082 tỉ đồng. Trong đó phần cầu dài 885m được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiểu kiến trúc cầu rồng cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm.
Đến nay, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 đã thi công đạt khoảng 70% khối lượng nhưng đang tạm dừng thi công do mặt bằng phía quận 1 gần 13.000 m2 chưa được bàn giao. Theo chủ đầu tư, nếu sớm được bàn giao đất ở quận 1 thì đơn vị sẽ đẩy nhanh thi công và hoàn thành dự án cầu Thủ Thiêm 2 vào tháng 9.2021.
Nút giao thông An Phú
Dự án xây dựng nút giao An Phú (Thành phố Thủ Đức) có quy mô 3 tầng gồm hầm chui đôi, cầu vượt với tổng mức đầu tư dự án là 5.104 tỉ đồng, xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2025. UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối từ ngân sách Trung ương cho dự án là 3.281 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách thành phố.
Hướng từ đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây về nút giao An Phú (Thành phố Thủ Đức) thường xuyên ùn tắc do mật độ phương tiện đông. Ảnh: Minh Quân |
Việc đầu tư xây dựng nút giao An Phú sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông tại đầu tuyến cao tốc TPHCM- Long Thành - Dầu Giây (HLD), đặc biệt là khi sân bay Long Thành được xây dựng và đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc HLD gia tăng.
Đồng thời, dự án góp phần hoàn thiện kết nối TPHCM với các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam đang được Bộ GTVT triển khai đầu tư như: Cao tốc HLD (giai đoạn 2), cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo,...
Cầu Cát Lái
Dự án xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà hiện hữu đã được Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện.
Thời gian qua, cơ quan chức năng Đồng Nai và TPHCM đã có nhiều cuộc làm việc để thống nhất phương án xây dựng cầu Cát Lái gồm: quy mô, vị trí và hướng tuyến xây dựng cầu.
Về hướng tuyến, đơn vị tư vấn đề xuất điểm đầu cầu kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch), vượt sông Đồng Nai và cầu kết nối vào đường Vành đai 2 – Thành phố Thủ Đức (TPHCM), cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng 1km và cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 2,3km. Dự án tổng mức đầu tư gần 7.200 tỉ đồng.
Dự án cầu Cát Lái thay phà được người dân chờ đợi nhiều năm qua. Ảnh: Minh Quân |
Với cầu Cát Lái, khoảng cách TPHCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu và các huyện Long thành, Nhơn Trạch của Đồng Nai sẽ rút ngắn lại.
Sau này, khi dự án sân bay Long Thành đi vào hoạt động, tuyến thông thương này mở ra cơ hội rất lớn để phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại cho TPHCM nói chung và Thành phố Thủ Đức nói riêng.
Đường Vành đai 2
Dự án đường Vành đai 2 dài hơn 64 km, có 3 đoạn đi qua Thành phố Thủ Đức. Trong đó, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài gần 3 km, tổng đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng trong quá trình triển khai thi công.
Đoạn Vành đai 2 từ Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa được triển khai thi công từ năm 2017 nhưng đang tạm ngưng. Ảnh: Phạm Nguyễn |
Hai đoạn còn lại dài 6 km gồm: từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội và từ nút giao Bình Thái qua đường Phạm Văn Đồng, tổng vốn 14.600 tỉ đồng, dự kiến đầu tư bằng vốn ngân sách.
Các đoạn này khi xong giúp giảm áp lực giao thông, tăng khả năng vận chuyển hàng hoá ở cảng Trường Thọ, cảng Long Bình (Thành phố Thủ Đức), kết nối cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo MINH QUÂN (LĐO)