TN - Đất & Người

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Toàn cảnh nhà máy alumin Nhân Cơ - Đắk Nông. ẢNH: C.T.V
Toàn cảnh nhà máy alumin Nhân Cơ - Đắk Nông. ẢNH: C.T.V

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông đề ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây nguyên, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa vùng Tây nguyên và vùng Đông Nam bộ; trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia, năng lượng tái tạo của vùng; phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị thị trường; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông… Đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây nguyên; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển bền vững, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia

Ngành công nghiệp của Đắk Nông được xác định phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất, chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20%/năm. Với tiềm năng lớn về quặng bô xít, Đắk Nông sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất bô xít - alumin - nhôm, sau nhôm; trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia.

Hồ Tà Đùng, “Vịnh Hạ Long của Tây nguyên”, nằm trong dự án đầu tư khu du lịch cấp quốc gia. ẢNH: C.T.V
Hồ Tà Đùng, “Vịnh Hạ Long của Tây nguyên”, nằm trong dự án đầu tư khu du lịch cấp quốc gia. ẢNH: C.T.V

Cụ thể, sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông; cải tiến hiệu suất, nâng công suất Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (nâng công suất dây chuyền sản xuất alumin đã có từ 0,65 lên 0,8 triệu tấn alumin/năm); mở rộng, nâng công suất Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (đầu tư mới dây chuyền sản xuất alumin thứ hai công suất 1,2 triệu tấn để đưa công suất toàn nhà máy lên 2 triệu tấn alumin/năm). Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư các dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 2, 3, 4 và 5; gắn với các khu vực, cụm mỏ khai thác theo quy hoạch.

Về năng lượng, Đắk Nông sẽ phát triển năng lượng sạch, tái tạo, đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời theo quy hoạch quốc gia, phát triển các nguồn điện tiềm năng khi đảm bảo điều kiện theo quy định; ưu tiên phát triển các nguồn điện tự sản, tự tiêu, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.

Núi lửa trong Công viên địa chất Đắk Nông. ẢNH: C.T.V
Núi lửa trong Công viên địa chất Đắk Nông. ẢNH: C.T.V

25 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030 hình thành 25 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung với diện tích trên 10.000 ha; định hướng đến năm 2050, hình thành 35 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích trên 14.300 ha; xây dựng 19 vùng/khu khuyến khích phát triển cơ sở chăn nuôi tập trung với diện tích trên 4.500 ha.

Phát triển các cây công nghiệp chủ lực (cà phê, cao su, điều, hồ tiêu) theo hướng tái canh, bền vững và áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật công nghệ hiện đại. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để phát triển các cây tiềm năng (mắc ca, dược liệu), các cây ăn quả, rau, hoa có giá trị kinh tế cao. Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức nuôi công nghiệp, liên kết và vùng chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh, môi trường, gắn với cơ sở chế biến thành phẩm.

Thác Đray trên sông Sêrêpốk, một thắng cảnh của tỉnh Đắk Nông. ẢNH: TRUNG CHUYÊN
Thác Đray trên sông Sêrêpốk, một thắng cảnh của tỉnh Đắk Nông. ẢNH: TRUNG CHUYÊN

Xây dựng khu du lịch hồ Tà Đùng cấp quốc gia

Quy hoạch cũng nêu rõ về phát triển du lịch, đưa Đắk Nông trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn liền với khai thác hiệu quả, phát huy các thế mạnh khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đắk Nông sẽ phát triển 4 cụm du lịch tại TX.Gia Nghĩa, Tà Đùng (H.Đắk Glong), Krông Nô và Tuy Đức, cùng vùng phụ cận các địa bàn này.

Trong đó, phát triển tập trung về khu vực Tà Đùng "Vịnh Hạ Long của Tây nguyên" và hệ thống di sản, cảnh quan thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đặc biệt, thu hút đầu tư phát triển các dự án khu, điểm du lịch tiềm năng; phát triển khu du lịch hồ Tà Đùng từng bước trở thành khu du lịch cấp quốc gia, tạo thành đột phá, động lực để phát triển du lịch toàn tỉnh. Đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo các sản phẩm du lịch mới, độc đáo mang đậm bản sắc riêng…

Sản xuất hồ tiêu, thế mạnh trong nông nghiệp Đắk Nông. ẢNH: H.T
Sản xuất hồ tiêu, thế mạnh trong nông nghiệp Đắk Nông. ẢNH: H.T

Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào tháng 3.2024, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, nhấn mạnh để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông sẽ nỗ lực nâng cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo; huy động các nguồn lực, nhất là các nguồn lực của xã hội, của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; xây dựng tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây nguyên…

"Tỉnh Đắk Nông cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển với tinh thần "lắng nghe - thấu hiểu - đồng hành và cùng khát vọng phát triển", Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định.

Theo Trung Chuyên (TNO)

Có thể bạn quan tâm