Nỗi sợ hãi về nguy cơ thế chiến 3 bùng nổ đã tràn ngập khắp thế giới ngay những ngày đầu năm 2020 vì căng thẳng Mỹ-Iran leo thang đỉnh điểm. Ngoài Mỹ-Iran, còn 4 "điểm nóng" khác chỉ cần một mồi lửa nhỏ cũng có thể bùng lên thành chiến tranh đẫm máu ngay trong năm 2020.
Mỹ-Iran
Ngày 3/1, đích thân Tổng thống Trump ra lệnh không kích sân bay Bagdad để giết tướng Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds - người hùng của Iran.
Việc Mỹ giết tướng Soleimani - diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước đang leo thang không ngừng vì nhiều vụ việc trước đó - thậm chí được xem là động thái "châm ngòi cho chiến tranh" với Iran. Các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ lẫn Iran đều lo lắng kêu gọi các bên bình tĩnh, tránh chiến tranh.
5 ngày sau cái chết của Tướng Soleimani, Iran mở 2 đợt tấn công bằng tên lửa vào 2 căn cứ ở Iraq có lính Mỹ đồn trú để trả thù. Mỹ-Iran bị đẩy đến bờ vực chiến tranh.
Tuy nhiên, may mắn là đòn trả thù của Iran không gây thương vong. Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố chắc nịch rằng, mọi lính Mỹ đều an toàn và Mỹ vì thế không phát động hành động quân sự để phục thù. Bất chấp thực hư việc Iran cố tình bắn trượt để tránh thương vong cho người Mỹ hay chính quyền Trump cố tình giấu thương vong, việc lãnh đạo 2 nước đều lùi 1 bước trước "bờ vực" đã giúp thế giới tránh được một cuộc chiến thảm khốc.
Tuy nhiên, căng thẳng Mỹ-Iran vẫn chưa thể nguội và có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Nguy cơ Mỹ-Iran chiến tranh vẫn là điều đáng lo trong năm 2020.
Iran-Israel
Vốn là những kẻ thù không đội trời chung của nhau, có thể thấy Israel đã nỗ lực để tạo ra một liên minh chống Iran ở cấp độ ngoại giao, trong khi Iran ra sức vun đắp mối quan hệ với các nhóm dân quân và các chủ thể phi nhà nước khác để đối chọi với Nhà nước Do Thái. Cụ thể, Iran thì ủng hộ mạnh mẽ các nhóm chống Israel ở Gaza, Syria và Lebanon trong khi Israel thường tấn công vào các lực lượng Iran trên toàn khu vực.
Những động thái trên được cho là khó có thể dẫn đến một cuộc chiến toàn diện giữa 2 nước nhưng nếu Iran quyết tâm khởi động lại chương trình hạt nhân của họ như những gì giới lãnh đạo nước này đã tuyên bố thì Israel có thể chọn tham gia vào một cuộc chiến để ngăn Iran làm điều đó.
Kashmir
Trong 10 năm qua, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đã xấu đi nghiêm trọng, đẩy 2 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này đến bờ vực chiến tranh.
Nhiều thập kỷ qua, Ấn Độ và Pakistan đã bị cuốn vào một số cuộc chiến tranh, xung đột và các cuộc đối đầu quân sự xen kẽ với những thời kỳ hòa bình. Năm 2019, những cuộc đụng độ ở biên giới tại vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir đều đã khiến binh sĩ và người dân vô tội 2 nước chịu tổn thất. Những căng thẳng này nếu tiếp diễn và leo thang hoàn toàn có thể dẫn đến thế chiến 3.
Mỹ-Triều Tiên
Căng thẳng cơ bản ở trung tâm của mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên có thể dẫn tới một cuộc chiến thảm khốc bất cứ lúc nào.
Căng thẳng giữa hai nước hiện đang cao nhất kể từ năm 2017, và cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ có thể làm cho mối quan hệ giữa Mỹ-Triều Tiên không êm ả được nữa.
Chính quyền của Tổng thống Trump dường như hy vọng một thỏa thuận với Triều Tiên có thể cải thiện triển vọng bầu cử vào tháng 11. Nhưng Triều Tiên không quan tâm nhiều đến lời đề nghị của ông Trump.
Mới đây, nước này đã dọa tặng một món quà Giáng sinh cho Mỹ khiến nhiều người lo lắng Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo hoặc vũ khí hạt nhân khác.
Đương nhiên, nếu nước này thử hạt nhân, ông Trump có thể cảm thấy buộc phải can thiệp.
Mỹ-Trung
Mối quan hệ Mỹ-Trung đã đặc biệt căng thẳng trong những năm gần đây. Một thỏa thuận thương mại giữa hai nước dường như sẽ làm giảm bớt một số căng thẳng nhưng việc thực thi thỏa thuận này vẫn còn rất mơ hồ.
Hiện tại, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang lún sâu trong một chiến thương mại gay gắt khi cả Mỹ và Trung Quốc đều áp đặt thuế quan nặng nề đối với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đô la của nhau.
Tổng thống Trump từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc làm ăn không công bằng và trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, trong khi ở Trung Quốc, người ta tin rằng, rằng Mỹ đang nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của "con rồng châu Á" như một cường quốc kinh tế toàn cầu.
Nếu tình hình leo thang, nó có thể dẫn đến sự đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ở các khu vực đang tranh chấp như như Biển Đông hoặc biển Hoa Đông.
Minh Nhật (Dân Việt/theo Express)