Sức khỏe

5 loại xét nghiệm nhất định bạn phải biết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xét nghiệm máu, viêm gan C, mật độ xương, đái tháo đường và chụp CT toàn thân là những xét nghiệm thường gặp khi bạn khám sức khỏe định kỳ. Vậy những xét nghiệm này dành cho đối tượng nào và có ý nghĩa ra sao?

Tầm soát hóa sinh máu

 



Công thức máu (CBC) sẽ đánh giá các thành phần trong máu, chẳng hạn như số lượng hồng cầu và bạch cầu; một bảng chuyển hóa sẽ kiểm tra mức độ các chất như enzym, chất điện giải, protein và lượng đường trong máu.

Tại sao cần thực hiện: Để đảm bảo các mức độ bình thường. Công thức máu kiểm tra nhiễm trùng hoặc các tình trạng như thiếu máu. Bảng chuyển hóa kiểm tra chức năng của các cơ quan như thận và gan.

Dành cho: Không có chống chỉ định nào cho việc thực hiện thường quy những xét nghiệm này ở người khỏe mạnh. Chúng có thể được sử dụng cho những người có tình trạng đông máu; những người bị bệnh mãn tính, như bệnh tiểu đường, thận, hoặc bệnh gan; để kiểm tra các tác dụng phụ của thuốc; hoặc trước khi phẫu thuật lớn.

Kết quả: Nếu mức độ giảm, bác sĩ có thể gợi ý những thay đổi trong việc quản lý bệnh mạn tính hoặc thuốc, hoặc thử nghiệm thêm để tìm nguyên nhân của các triệu chứng không giải thích được. Sàng lọc mà không có nguyên nhân rõ ràng - thường được thực hiện trong khám sức khỏe định kỳ - có thể ghi nhận những biến động vô hại dẫn đến xét nghiệm theo dõi không cần thiết.

Chụp CT toàn thân

 



Sử dụng nhiều lần chụp X quang để tạo ra hình ảnh cơ thể và các cơ quan nội tạng.

Tại sao cần thực hiện: Xét nghiệm này thường được tiếp thị như một cách để phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh ung thư, bệnh tim và các tình trạng bệnh khác.

Dành cho: Hội Y khoa Mỹ, cùng với nhiều tổ chức chuyên môn khác, không khuyên thực hiện xét nghiệm này ngoại trừ trong một số ít trường hợp, và không dành cho người khỏe mạnh. Những trường hợp hiếm hoi này có thể bao gồm những người bị ung thư có thể đã di căn hoặc những người bị thương nặng trong tình huống cấp cứu.

Kết quả: Nếu hình ảnh chụp phát hiện khối u hoặc bất thường, bạn có thể cần các xét nghiệm và điều trị khác. Việc chụp này thường tìm thấy những bất thường (trung bình 3 bất thường/người) mà hầu như luôn là vô hại, theo một phân tích năm 2013. Một phần ba số người phải làm những xét nghiệm theo dõi không cần thiết khiến họ bị phơi nhiễm nhiều hơn với tia xạ.

Tầm soát viêm gan C


 

 



Một xét nghiệm máu để kiểm tra nhiễm vi-rút này.

Tại sao cần thực hiện: Viêm gan C có thể lưu lại trong cơ thể, không triệu chứng, trong nhiều năm. Một nửa số người nhiễm không biết mình bị nhiễm. Phát hiện và điều trị sớm ngăn ngừa các biến chứng như tổn thương gan, ung thư và thậm chí tử vong.

Dành cho: Bất cứ ai sinh trong khoảng thời gian năm 1945 đến năm 1965, đã được truyền máu trước năm 1992, hoặc sử dụng các loại ma túy đường tĩnh mạch.

Kết quả: Nếu xét nghiệm dương tính, một xét nghiệm máu khác (ARN vi-rút viêm gan C) là cần thiết để xác định chẩn đoán. Vi-rút sẽ tự hết ở khoảng 15 đến 25% số trường hợp. Đối với những người khác, thuốc kháng vi-rút chữa khỏi cho hơn 90% số trường hợp.

Tầm soát mật độ xương

Chụp X-quang liều thấp này (gọi là chụp DEXA) đo mật độ xương ở xương hông và cột sống.

Tại sao cần thực hiện: Để tầm soát tình trạng loãng xương (mật độ xương thấp) và rỗ xương (xương yếu, giòn).

Dành cho: Hầu hết phụ nữ ở tuổi 65, nhưng sớm hơn - xung quanh thời điểm mãn kinh - đối với phụ nữ có yếu tố nguy cơ loãng xương như tiền sử gia đình hoặc hút thuốc lá. Đối với nam giới, xem xét tầm soát ở khoảng 80 tuổi, hoặc sớm hơn nếu có nguy cơ gãy xương cao hơn (do các yếu tố như hút thuốc lá và sử dụng steroid lâu dài).

Kết quả: Đối với loãng xương, tập thể dục và chế độ ăn giàu vitamin D và canxi thường được khuyến nghị. Tầm soát lại trong ba đến năm năm. Nếu quá trình chụp phát hiện rỗ xương, có thể cần dùng thuốc để ngăn ngừa gãy xương và tầm soát lại trong hai năm. Nếu kết quả bình thường, xét nghiệm lại trong 10 năm.

Tầm soát đái tháo đường týp 2 (đường huyết)

 



Hai xét nghiệm máu thường được sử dụng. Xét nghiệm đường huyết lúc đói sẽ đo lượng đường trong máu sau khi nhịn ăn ít nhất 8 giờ và xét nghiệm A1C xác định chỉ số đường huyết trung bình trong ba tháng vừa qua.

Tại sao cần thực hiện: Chỉ số cao có thể biểu hiện bệnh đái tháo đường. Chỉ số tăng nhẹ cho thấy tiền tiểu đường, làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường toàn phát.

Dành cho: Những người dưới 45 tuổi bị thừa cân và có ít nhất một yếu tố nguy cơ khác - chẳng hạn như huyết áp hoặc cholesterol cao, tiền sử gia đình đái tháo đường, hoặc lối sống ít vận động - nên được tầm soát. Nếu kết quả bình thường, xét nghiệm lại sau mỗi ba năm; với đường huyết cao trong giới hạn (tiền đái tháo đường), cứ 1-2 năm một lần. Một điểm mà các chuyên gia chưa nhất trí: Đối với những người từ 45 tuổi trở lên không có yếu tố nguy cơ, ADA khuyến nghị nên sàng lọc nhưng USPSTF nói rằng không cần thiết. TS. David Nathan, giảng viên y khoa tại Trường Y Harvard và là giám đốc Trung tâm Đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, đề nghị tuân theo khuyến cáo của ADA. “Khám sàng lọc đái tháo đường rất đơn giản, an toàn và rẻ tiền,” ông lưu ý.

Kết quả: Nếu kết quả cho thấy đái tháo đường, bạn sẽ cần xét nghiệm lại để xác nhận, bởi vì nhiều yếu tố, bao gồm thuốc và căng thẳng, có thể ảnh hưởng đến lượng đường huyết. Nếu bệnh đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường được chẩn đoán, bạn sẽ cần thực hiện thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục. Đối với bệnh đái tháo đường, bạn cũng cần dùng thuốc.

 

Cẩm Tú (Dantri)

Có thể bạn quan tâm