Trong số các biện pháp lớn được Chính phủ đưa ra, đáng chú ý là việc tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và huy động các nguồn lực hỗ trợ tài chính cho DNNV, cùng với việc tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho đối tượng doanh nghiệp này. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, tổ chức thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất mới cho các DNNV thuê hoặc dành quỹ đất để xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho các DNNV và vườn ươm DN. Hàng năm, các địa phương phải thông báo công khai diện tích đất dành cho DNNV và các khu, cụm công nghiệp cho các DNNV, vườn ươm DN; tổ chức tư vấn, tháo gỡ khó khăn cho các DNNV khi tìm kiếm mặt bằng sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì việc tiếp tục thực hiện các biện pháp điều chỉnh chính sách tiền tệ để kiểm soát hoạt động tín dụng theo hướng tập trung phục vụ các nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, DNNV. Bộ KH-ĐT được giao chủ trì xây dựng đề án thành lập Quỹ phát triển DNNV, trình Thủ tướng.
Cũng tại nghị quyết này, Chính phủ giao các bộ ngành giải quyết tận gốc các khó khăn, hạn chế của DNNV. Đơn cử như giao Bộ LĐTB-XH chủ trì nghiên cứu, mở rộng đối tượng cho vay vốn, tăng mức vốn vay đối với mỗi dự án đem lại hiệu quả cao về tạo việc làm của DN; chú trọng đối tượng DNNV theo chương trình quốc gia về giải quyết việc làm, nghiên cứu mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.
Bộ NN-PTNT được giao xây dựng trình Chính phủ chương trình hỗ trợ phát triển DNNV trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 - 2015, tập trung vào các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN nông nghiệp, nông thôn và làng nghề truyền thống, ưu đãi thuế thu nhập DN, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các DNNV hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gắn liền với địa bàn nông thôn, miền núi, miền biển, vùng sâu, vùng xa…
Theo SGGP