Tăng hiệu quả sản xuất, giảm ảnh hưởng môi trường
Áp dụng IPHM không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản mà còn tạo ra môi trường an toàn cho nông dân. Người dân trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các chế phẩm, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Huyện Đak Đoa hiện có gần 10.000 ha cây trồng ngắn ngày và hơn 36.440 ha cây công nghiệp dài ngày. Để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, huyện tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, tập trung đổi mới phương thức sản xuất, từng bước hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cũng như góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Ông Lê Hữu Anh-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh (xã Glar, huyện Đak Đoa) cho hay: Hợp tác xã đang liên kết với gần 500 hộ dân (trong đó có hơn 90% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số) sản xuất cà phê, chanh dây, lúa nước theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch. Sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch giúp người dân giảm chi phí đầu tư 10-15 triệu đồng/ha, tăng hiệu quả kinh tế và giảm tác hại đến môi trường.
“Thời gian tới, HTX tiếp tục nhân rộng mô hình này. Mục tiêu của chúng tôi là dần thay đổi tư duy của người sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời, đầu tư chế biến cà phê chất lượng cao để tăng tính cạnh tranh trên thị trường”-ông Lê Hữu Anh chia sẻ.
Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) cũng liên kết với 70 thành viên sản xuất 145 ha lúa chất lượng cao. Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc HTX-cho biết: Hợp tác xã luôn chú trọng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, HTX thu mua sản phẩm cho người dân với giá cao hơn thị trường để phát triển thương hiệu “Gạo Phú Thiện”.
Nhờ những bộ giống lúa mới mà HTX đã có 8 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao (gạo J02, gạo TBR225, gạo TBR39, gạo nếp Cô Tiên, gạo LH12, gạo Hưng Long, gạo lứt tím, gạo lứt đỏ) và 4 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao (gạo Phú Thiện-nếp BM9603, gạo Phú Thiện-Đài Thơm 8, gạo Phú Thiện-ST25, gạo Phú Thiện-ST24).
Theo ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện: Hàng năm, toàn huyện gieo sạ khoảng 14.000 ha lúa vụ Đông Xuân và vụ mùa. Nhờ áp dụng IPHM đã giúp người nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Hiện nay, năng suất lúa bình quân của huyện đạt 7,5 tấn/ha, cá biệt có diện tích đạt 10-11 tấn/ha.
Đẩy mạnh ứng dụng IPHM
Hiện nay, diện tích gieo trồng hàng năm của tỉnh đạt gần 600 ngàn ha. Toàn tỉnh hiện có khoảng 255.668,4 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO (chiếm 43,1% tổng diện tích gieo trồng).
IPHM dựa trên 6 nguyên tắc cơ bản gồm: đất khỏe; cây trồng khỏe; đầu tư thông minh; bảo vệ môi trường sinh thái; giám sát và kiểm tra đồng ruộng; nông dân chuyên nghiệp và có trách nhiệm. Mục tiêu của IPHM là đảm bảo sức khỏe cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt, bảo vệ môi trường sinh thái và gia tăng đa dạng sinh học.
Trước tình trạng biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường... đang diễn ra nhanh chóng, những mối đe dọa đến sức khỏe càng trở nên phức tạp hơn.
Ngày 30-4-2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực của tỉnh giai đoạn 2023-2030. Mục tiêu của kế hoạch là đẩy mạnh ứng dụng IPHM để chủ động phòng-chống sinh vật gây hại trên cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng; có trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh, trên 70% diện tích bắp và trên 70% diện tích cây công nghiệp ứng dụng IPHM. Qua đó, giảm ít nhất 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 30% lượng phân bón hóa học. Ngoài ra, trên 90% số xã thực hiện thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng theo quy định.
Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh-cho biết: Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân đã thay đổi tư duy, đẩy mạnh sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt, nhất là tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên cây trồng chủ lực của huyện như: cà phê, cây ăn quả, lúa nước.
“Năm 2025, huyện xây dựng kế hoạch tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao hiệu quả quản lý sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng cho cán bộ, viên chức Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện; lãnh đạo, công chức địa chính-nông nghiệp, chủ tịch Hội Nông dân và trưởng thôn trên địa bàn các xã, thị trấn”-ông Sơn thông tin.
Còn ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa thì cho hay: Huyện Đak Đoa đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống lúa nước, thâm canh tăng năng suất, áp dụng các biện pháp nhằm giảm lượng giống lúa gieo sạ, giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trên cây cà phê, cây ăn quả, hồ tiêu, huyện tiếp tục tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu và sản xuất theo chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng như: IPHM, VietGAP, 4C, UTZ, Rainforest, hữu cơ.
Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho biết: Thời gian qua, các tiến bộ khoa học công nghệ đã được áp dụng vào sản xuất như chương trình IPM/IPHM, ICM... Qua đó, người dân tiếp cận được với kỹ thuật sản xuất tiên tiến, trong đó có việc ứng dụng chương trình IPM/IPHM nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Đồng thời, người dân chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn bền vững nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.